Thứ Bảy, 31 tháng 10, 2009

DUYÊN TRI NGỘ

                                                                       

                                                                        

 

Cung kính dâng Đức Ân sư

Việt nhạc chi bảo Trần Văn Khê tiên sinh

 

 

 

Còn nhớ cách đây 4 năm, mùa thu năm 2005, khi ấy đang dạy ở trường Hoa ngữ Quốc tế. Trong lớp có cô học trò rất lạ, tính tình nhu mì lại ít nói. Một hôm, sau khi tan lớp, cô ấy tới hỏi tôi “em nghe trong khi giảng bài thầy hay nhắc tới Giáo sư Trần Văn Khê, không biết thầy đã có đọc hồi ký của Giáo sư chưa?”. Tôi cười trả lời rằng “tôi quý thầy Khê từ khi nghe Thầy nói chuyện trên TV về âm nhạc lúc tôi còn rất bé độ khoảng trên 10 tuổi, dù chưa một lần gặp mặt nhưng tôi luôn xem mình là người học trò nhỏ của Thầy. Khi tôi còn là sinh viên năm thứ 3, Giáo sư có đến trường tôi nói chuyện, lần ấy là lần đâu tiên tôi thấy Thầy bằng xương bằng thịt sau mười mấy năm mơ ước, ngồi hàng ghế dưới cùng nghe Thầy nói chuyện mà tôi phấn khích quá, ko kềm chế được vỗ tay liên tục đến nỗi người kế bên than phiền, chắc họ nghĩ tôi điên! Lần ấy, nhà xuất bản cũng nhân dịp ấy giới thiệu hồi ký của Thầy, thích lắm, nhưng cái thuở ấy đời sinh viên con không đủ no lấy đâu ra tiền mà mua 1 bộ hồi ký năm quyển, thế là mãi tới bây giờ vẫn chưa có duyên để đọc, tôi chỉ biết Thầy qua những bài báo do tôi sưu tầm thôi”. Thế là cô học trò tôi cười và nói với tôi “dạ được, buổi sau em sẽ mang cho thầy mượn, em có một bộ”.

Buổi sau, đúng như lời hứa, cô học trò của tôi mang cho tôi mượn bộ hồi ký của Giáo sư Trần Văn Khê, tôi mang về nhà đọc ngấu nghiến cả đêm, càng đọc tôi càng thấy thương, thấy ngưỡng mộ, chẳng biết nói sao cho vừa với con người kiệt xuất này cả, tôi thật sự xúc động. Trong đầu tôi loé lên một ý tưởng – viết thư cho Giáo sư, chỉ đơn giản là bày tỏ sự ngưỡng mộ của tôi với Thầy thôi !

Bức thư được viết ngay sau khi tôi đọc xong bộ hồi ký của Thầy. Sau đó tôi nhờ em gái tôi tìm giúp tôi địa chỉ của Thầy bên Pháp, vì lúc ấy thầy chưa về Việt Nam. Mấy hôm sau, em tôi mang về cho tôi một thông tin còn thú vị hơn bắt được vàng nữa “Thầy Khê đang ở Saigon, thư của anh nên gửi fax cho Thầy”, thế là bức thư được gửi đi. Nói thật lòng, lúc ấy tôi chỉ nghĩ là tôi thích và làm theo sở thích, chứ tôi không mong là Thầy sẽ chú ý, vì Thầy hiện là một bậc học giải uyên thâm không chỉ trong nước mà cả trên mấy chục quốc gia khác nữa. Chính vì vậy nên tôi quên ngay việc ấy đi, chỉ biết rằng tôi đã thực hiện xong niềm đam mê của mình.

Nhưng sự thật lại quá bất ngờ, hai ngày sau, khi tôi đang thăm một đứa cháu trong bệnh viện thì chông điện thoại của tôi vang lên, tôi vừa nghe máy nghe hai tiếng “alô” từ đầu dây bên kia là tôi sửng sốt ngay, tiếng của Thầy Khê, trời ơi là Thầy Khê gọi cho tôi, một đại học giả, đại trí thức, bậc đại tông sư đương đại gọi điện thoại cho tôi ! Tôi hốt hoảng đến lặng người, một lúc sau tôi mới ú ớ trả lời lại, Thầy tự giới thiệu và nói rằng “Thầy đã đọc bức thư của em, thầy cảm động lắm, Thầy muốn gặp em vào lúc 9g sáng thứ năm tuần này tại khách sạn Saigon, không biết em có thời gian không?!”. Trời ơi, đến mơ tôi còn không dám mơ nữa là! Tôi hứa với Thầy tôi sẽ đến, đêm thứ 4 tuần ấy tôi thức trắng đêm vẽ bức tranh hoa sen và viết bức thư pháp với 2 chữ “Phật tâm” để tặng Thầy. Sáng hôm sau, do tiệm photo copy mở cửa trễ, tôi lại chờ lấy bản sao tập luận văn tốt nghiệp của tôi để tặng Thầy nên đến muộn, thư ký của Thầy gọi điện hối chúng tôi vì rằng chúng tôi chỉ có 30 phút để hầu chuyện với Thầy Khê, vì rằng còn có người khác cần gặp Thầy. Thế là sau khi lấy được tập luận văn, tôi chạy như bay đến khách sạn để gặp Thầy.

Và rồi, khi cánh cửa mở ra, người Thầy mà tôi ngày đêm mong được một lần gặp mặt đã ngồi đấy ung dung hiền hoà như một vị Tiên bằng da bằng thịt hiện ra trước mắt tôi trong bộ bà ba lụa màu đen, Thầy ôm hôn và bảo chúng tôi ngồi hầu chuyện với Thầy.

Thầy mở đầu câu chuyện “đọc thư của con xong Thầy rất xúc động, xúc động khi nghe con nói con thèm một cây đờn tranh từ khi còn rất bé, mỗi ngày 2 buổi khi đi học ghé tiệm bán đờn nhìn cây đờn rồi mới lên lớp, khi tan học lại ghé nhìn cây đờn rồi mới về nhà, mãi cho đến khi cây đờn bị người ta mua mất, hôm nay lần đầu tiên Thầy gặp con, Thầy sẽ toại nguyên cho ước mơ đó của con”, nói rồi Thầy bảo thư ký mang cây đờn tranh Thầy đã chuẩn bị từ lúc nào trao cho tôi, thầy dạy : “cây đờn này ko phải là tệ lắm, nhưng cũng không phải là tốt lắm, có thể giúp con học và chơi đờn được. Nhưng bây giờ tuổi Thầy đã cao, tai điếc rất nặng, tay lại bị đau khớp không đàn được nên không thể dạy cho con, con nên tìm một người nào đó hứa dẫn, tập được bao nhiêu thì hay bấy nhiêu”. Tôi nhận cây đàn tranh còn thơm mùi gỗ mới từ Thầy mà lúc xúc động đến không nói được gì ngoài hai tiếng cảm ơn.

Thế rồi tôi và Thầy nói chuyện với nhau, Thầy kể cho tôi nghe nhiều điều rất thú vị từ những chuyến đi thực địa của Thầy, rồi Thầy lại hỏi về gia cảnh, về việc học của tôi, tôi thưa chuyện cùng Thầy mãi tới khi nhìn đồng hồ thì đã gần 11g trưa, trời ạ, nó đã hơn thời gian dự kiến hơi bị…….. nhiều! Thầy cười nói, hôm nay vui quá, nói chuyện quên mất cả thời gian, nhưng nếu con không bận thì khoan hãy về, con nán lại chút Thầy sẽ giới thiệu con quen một người “lạ” lắm, trưa nay cô ấy mời Thầy dùng cơm, chắc cũng sắp đến rồi”. Thầy vừa dứt lời, tiếng chuông gọi cửa vang lên, một người phụ nữ tuổi ngoài 60 xuất hiện với nụ cười thật tươi. Qua lời giới thiệu, Thầy cho tôi biết đó chính là nữ thi sĩ trứ danh Tôn Nữ Hỷ Khương, trời ạ trong một ngày mà tôi được gặp đến 2 vị cao nhân, quả là đại sướng!

Trưa đó, tôi hầu cơm Thầy và Cô Hỷ Khương theo lời mời của Cô, bữa cơm thật vui và thật ấn tượng, có lẽ suốt cuộc đời này tôi sẽ không bao giờ quên.

Sau đó, tôi còn được dịp hầu cơm và hầu chuyện Thầy nhiều lần nữa, mãi đến khi Thầy về nhà mới. Trước khi về, Thầy còn tặng cho tôi bộ hồi ký 5 quyển của Thầy với mỗi một tập là một lời đề tặng khác nhau, trao bộ sách vào tay tôi, Thầy dạy “Thầy và con đi hai con đường nhưng cùng nhìn về một hướng, hướng đó là phụng sự dân tộc” nhận bộ sách nhận luôn cả lời vừa là ban khen vừa là trọng trách được giao từ Thầy mà lòng cảm động đến rơi nước mắt.

Sang năm 2007 tôi về sống hẳn ở Bình Dương nên cũng ít gặp Thầy, nhưng mỗi lần gặp Thầy đều cầm tay thăm hỏi, tình thân như con cháu vậy. Nhớ hôm tham dự Hội thảo quốc gia “Vị thế văn hoá - Văn hoá dân tộc trong giáo dục bậc đại học” do trường ĐH Bình Dương tổ chức có gặp Thầy, sau mấy câu thăm hỏi, Thầy khen tôi làm thơ tiến bộ nhiều lắm, mỗi lần nhận được thơ của tôi mới sáng tác, Thầy đều rất vui. Lần ấy, Thầy cầm tay tôi nói “tuy dạo này ít gặp con, nhưng lúc nào Thầy cũng nhớ về con”, tôi thực sự xúc động, “con có là gì đâu thưa Thầy, một hạt cát quá nhỏ nhoi so với Thầy – một sa mạc mênh mông rộng lớn !”.

Và thưa Thầy:

Ngày ấy nếu không có cuộc điện thoại của Thầy thì con đâu được cái vinh hạnh to lớn được quen biết với Thầy, cũng mất luôn cả cơ hội quen biết với Cô Hỷ Khương, và thế thì 4 năm sau làm gì con làm được thơ Đường luật để có chút kỷ niệm trong lòng bạn bè đất Sài thành với cái tên sơn dã cuồng nhân Lê Ngọc Đình !

Đêm Hoàng Hoa tiết trùng cửu vừa rồi, được gặp Thầy, hầu chuyện cùng Thầy, lắng nghe Thầy nói về rượu con vui lắm, nhưng trong lòng cũng có chút bất an, lúc này Thầy gầy hơn nhiều so với ngày trước, giọng hơi yếu dù rằng vẫn đầy “sức lửa”, chân thì đau di chuyển hết sức khó khăn, khi ấy con mới giật mình, Thầy cũng đã cận kề 90 rồi còn gì, vậy mà bất chấp cái vô thường của thế gian đang bào mòn sức khoẻ của Thầy từng ngày, mang bầu máu nóng từ tim thắp lên ngọn lửa thiêng truyền trao tri thức mồi vào tim của lớp lớp hậu sinh, cảm động lắm và thương Thầy nhiều lắm.

Con chưa một ngày được chính thức là môn sinh của Thầy, nhưng không có Thầy thì chắc cũng không có con với chút thành tựu nhỏ nhoi như ngày hôm nay, không có Thầy thì con cũng không biết được hết cái hay của nhạc dân tộc, không có Thầy con không thể biết được cái thú chơi tao nhã độc đáo của xướng hoạ thơ, không có Thầy con cũng sẽ mãi không biết cách làm đúng một bài thơ Đường, với ngần ấy thôi cũng đủ cả đời này con tri ân Thầy và tôn kính gọi Thầy hai tiếng “Ân Sư”!

Đã vào tháng 11 rồi thưa Thầy, đã vào tháng mang theo ngày tri ân bậc tôn túc soi đường ban cho huệ mạng, ngày Nhà giáo Việt Nam, con thành kính viết những dòng này kính dâng lên Thầy như một lời tri ân đồng thời cũng để chia sẻ với những tâm hồn đồng điệu một kỷ niệm đẹp trong đời con, một kỷ niệm về duyên tri ngộ với một bậc đại tông sư về âm nhạc truyền thống – Việt Nhạc Chi Bảo Trần Văn Khê tiên sinh.

 

 

                                                              Dã Hạc Cư vãn thu năm Kỷ Sửu

                                                                         Ngu đồ sơn dã cuồng nhân Lê Ngọc Đình

                                                                                               cúi bái cẩn đề

Thứ Năm, 29 tháng 10, 2009

TRÀ SỚM

Lấy cảm xúc từ chén trà móc câu

của chị Viên Trân tặng hôm tết Trùng Dương

 

 

Cảm vị trần gian một chén trà,

Hồn như phiêu lãng giữa trời xa.

Nước in sắc ngọc trong màu biếc,

Búp ẩn hồn rêu mướt nõn nà.

Nâng chén tình đưa hương sảng khoái,

Nhấp môi ý quyện vị thăng hoa.

Sớm say lạc bước nơi Bồng đảo,

Quên lối trần gian, bỏ cửa nhà.

 

 

 

Dã Hạc Cư 5g30 sáng 28.10.2009

sơn dã cuồng nhân N.Đ

Thứ Sáu, 23 tháng 10, 2009

LÂM GIANG TIÊN

 

Nếu ai đã một lần xem qua bộ phim “Tam Quốc diễn nghĩa” của Trung Quốc sản xuất, những ai đã trót đam mê men theo dấu mòn của lịch sử ắt sẽ không thể không xao xuyến với lời ca từ  mang âm hưởng bi hùng  mở đầu bộ phim ! Bài ca không nhớ rõ được gọi là gì, chỉ biết đó là bài từ viết theo lối Lâm Giang Tiên mở đầu cho tiểu thuyết lịch sử cùng tên của tác giả La Quán Trung. Thuở còn sinh viên Đình cũng đã một thời mê mệt bộ phim và bài từ này. Nhưng mãi đến đầu năm nay, một lần đến chơi nhà một người em kết nghĩa tại Saigon, đêm đó em ấy mở bộ phim này hai anh em cùng xem lại và em có nói là em rất thích bài hát mở đầu phim, nhưng ko hiểu nghĩa nói gì, vì nhân duyên đó mà Đình chép và dịch bài từ này sang tiếng Việt. Hôm qua nhân sắp xếp giấy tờ lại, tình cờ thấy lại bản dịch này nên mang lên đây chia sẻ cùng những tâm hồn đồng điệu của Dã Hạc Cư. Chỉ tiếc là Đình tài thô học thiển, rất mong được quý hữu chỉ điểm thêm cho.

 

 

 

滚滚长江东逝水,浪花淘尽英雄。
是非成败转头空。
青山依旧在, 几度夕阳红。
白发渔樵江渚上, 惯看秋月春风。
一壶浊酒喜相逢。
古今多少事, 都付笑谈中。

 

 

 

Cổn cổn Trường Giang đông thệ thuỷ,

Lãng hoa đào tận anh hùng !

Thị phi thành bại chuyển đầu không.

Thanh sơn y cựu tại,

Kỷ độ tịch dương hồng.

Bạch phát ngư tiều giang chử thượng,

Quán khán thu nguyệt xuân phong.

Nhất hồ trọc tửu hỉ tương phùng.

Cổ kim đa thiểu sự,

Đô phó tiếu đàm trung.

 

 

Trường Giang cuồn cuộn đổ về đông,

Bạc đầu sóng vỗ cả lòng hùng anh.

Nào đâu phi thị bại thành,

Quay đầu nhìn lại chỉ đành……hư không !

Nọ non xanh mãi bền lòng,

Sương pha mấy độ bóng hồng tịch dương.

Ngư tiều mái tóc pha sương,

Giang đầu quen ngắm vô thường xuân phong.

Gặp nhau rượu nhạt ấm lòng,

Cười buông thế sự giữa dòng cổ kim…

 

           

 

            Dã Hạc Cư 20.01.2009     

Hậu học sơn dã cuồng nhân N.Đ bái dịch

 

Thứ Năm, 22 tháng 10, 2009

TUYÊN CHÂU TẠ THIỂU LÂU TIỄN BIỆT HIỆU THƯ THÚC VÂN

 

 

宣州谢眺楼饯别校书叔云

                                              ——唐李白——

 

 

弃我去者,昨日之日不可留。

乱我心者,今日之日多烦忧。

长风万里送秋雁,对此可以酣高楼。

蓬莱文章建安骨,中间小谢又清发。

俱怀逸兴壮思飞,欲上青天揽日月。

抽刀断水水更流,举杯消愁愁更愁。

人生在世不称意,明朝散发弄扁舟。

 

 

 

 

TUYÊN CHÂU TẠ THIỂU LÂU

TIỄN BIỆT HIỆU THƯ THÚC VÂN

                                                      Đường – Lý Bạch

 

 

 

Khí ngã khứ giả, tạc nhật chi nhật bất khả lưu,

Loạn ngã tâm giả, kim nhật chi nhật đa phiền ưu.

Trường phong vạn lý tống thu nhạn,

 đối thử khả dĩ cạm cao lâu.

Bồng Lai văn chương Kiến An cốt,

 trung gian Tiểu Tạ hựu thanh phát.

Cụ hoài dật hứng tráng tư phi,

dục thướng thanh thiên lãm minh nguyệt.

Trừu đao đoạn thuỷ thuỷ cánh lưu,

Cử bôi tiêu sầu sầu cánh sầu.

Nhân sinh tại thế bất xứng ý,

minh triêu tán phát lộng biên chu.

 

 

 

 

Ngày hôm qua bỏ ta đi mất,

Phí công mà cất giữ được đâu.

Ngày hôm nay lắm muộn sầu,

 Loạn tâm cho nhuốm một mầu phiền ưu.

Gió vạn dặm trời thu đưa nhạn,

Lên lầu cao uống cạn chén Khang,

Văn huynh phong cốt Kiến An,

Vần thơ Tiểu Tạ xem đàng giống tôi.

Cùng có sẵn đấy rồi hứng chí,

Muốn bay lên ngắm kỹ vầng trăng.

Rút đao chém nước chảy phăng,

Tiêu sầu, mượn rượu, được chăng thêm sầu.

Nhân sinh sao lắm cơ cầu,

Thuyền con, mai sớm xoã đầu cười ngông

 

 

                 

Dã Hạc Cư tiết Trùng Dương năm Kỷ Sửu

Hậu học sơn dã cuồng nhân N.Đ bái dịch

Thứ Ba, 20 tháng 10, 2009

tản mạn Hoàng Hoa

 

 

春游芳草地、夏赏绿荷池。

秋饮黄花酒、冬吟白雪诗。

 

Xuân du phương thảo địa, Hạ thưởng lục hà trì,

Thu ẩm hoàng hoa tửu, Đông ngâm bạch tuyết thi.

 

Chẳng biết từ bao giờ, thiên nhiên và thi nhân bỗng trở nên hòa vào nhau làm một, như một đôi thanh mai trúc mã được trời kết tóc se duyên. Men theo dấu vết của tiền nhân, qua những câu thơ điệu từ, ta như thấy đâu đâu cũng bàng bạc dáng mai, bóng trúc, sắc cúc, hương lan, suối ngàn, mây lộng, gió mát, trăng thanh, đẹp lắm và lung linh lắm. Có phải chăng cái tính ngạo sương của cúc, bỡn tuyết của mai, kiên cường của trúc, u mặc của lan đã làm xao lòng người mặc khách, hay nói khác đi qua đấy họ đã tìm thấy được bóng dáng của mình, mượn cảnh ấy vật ấy để ngụ chí của người tao nhân muôn thuở.

Có lẽ chăng như thế, nên cái tình yêu của kẻ sĩ với thiên nhiên ngày một nên sâu đậm, sâu đậm đến mức người ta không chỉ muốn tìm đến với thiên nhiên để hòa mình vào đấy mà hơn thế nữa, các thi nhân mặc khách xưa còn muốn mang thiên nhiên theo chân vào chốn thư trai, huân vào mình làm một, thế nên khi xưa Khuất Nguyên đâu chẳng từng sớm uống nước sương còn đọng trên cánh ngọc lan thơm ngát, đêm nhặt cánh cúc thu lót dạ đỡ lòng “Triêu ẩm mộc lan chi trụy lộ hề, tịch san thu cúc chi lạc anh朝饮木兰之坠露兮,夕餐秋菊之落英”. Câu thơ thật giản dị, nhưng nếu ai đã một lần thấu hiểu nổi lòng của Tam Lư Đại Phu ắt sẽ hiểu đằng sau ngôn từ đơn giản ấy chan chứa cả một nỗi lòng u uất của một khí tiết thanh cao !

Cúc, hoa trung chi quân tử. Mặc xuân mặc hạ, mặc trăm hoa khoe sắc tranh hương, cúc vẫn ẩn mình đợi đến khi thu sang, khi khí lạnh bắt đầu tràn về, khi sương đêm chớm dậy, cúc mới trở mình ngạo sương nghênh gió phô sắc với trần gian “bất thị hoa trung thiên ái cúc, thử hoa khai tận cánh vô hoa不是花中偏爱菊,此花开尽更无花” (Nguyên Chẩn); “phương cúc khai lâm diệu, thanh tùng quán nham liệt. Hoài thử trinh tú tư, trác vi sương hạ kiệt 芳菊开林耀,青松冠岩列。 怀此贞秀姿,卓为霜下杰” (Đào Uyên Minh). Ngay cả một danh sĩ không vì 5 dấu gạo mà cúi mình danh quán cổ kim như Đào Uyên Minh tiên sinh mà còn xưng tán cúc là “sương hạ kiệt” (hào kiệt trong sương giá) thì phải biết danh xưng “hoa trung chi quân tử” đâu chỉ là phiếm luận hư danh.

Cúc chẳng những ngạo sương khoe sắc, đón gió đưa hương mà hơn thế nữa, ở cúc người xưa còn tìm thấy một khí tiết kiên trinh bất khuất của người quân tử “bần tiện bất năng di, uy vũ bất năng khuất”, dù trong hoàn cảnh nào cũng giữ trọn tiếng thanh cao “linh lạc hoàng kim nhụy, tuy khô bất cải hương 零落黄金蕊,虽枯不改香” (Mai Hiểu Thần); “trụy địa lương bất nhẫn, bao chi ninh tự khô 堕地良不忍,抱技宁自枯” (Ngô Lữ Lũy);ninh khả bão hương chi đầu lão, bất tùy hoàng diệp vũ thu phong 宁可抱香枝头老,不随黄叶舞秋风” (Chu Thục Trân). Cao đẹp thay một loài hoa ! Đâu chẳng phải do thế mà Tam Lư Đại Phu Khuất Nguyên xưa không ham kỳ trân dị bảo, chẳng thích mỹ tửu sơn hào mà chỉ trọn vui hứng lấy sương đọng lại trên cánh ngọc lan giải khát, mượn cánh hoa rơi của loài hoa quân tử lót dạ đỡ lòng, ấy đâu chẳng vì khí tiết của của một loài hoa và đâu lại chẳng vì khí tiết của chính bản thân Khuất Nguyên đó vậy ! Hay lắm thay !

Cổn cổn Trường Giang hậu lãng thôi tiền lãng, từ khởi thủy ấy, lớp lớp tao nhân mặc khách mỗi phùng thu tiết lại thưởng cúc đề thơ ngâm vịnh, mượn hình ảnh của hoa làm bài minh tự răn lập chí phản quang tự kỷ soi lại chính mình. Hơn thế nữa, người xưa còn mang cả cúc ra công cất rượu, đem hương cúc nhuận huân hương rượu, mỗi độ uống vào như uống cả khí tiết thanh cao mà đời sau xưng danh là “hoàng hoa tửu”.

Rượu hoàng hoa, chẳng tôn quý kiêu sa như ngọc dịch quỳnh tương hay bồ đào mỹ tửu, nhưng so sắc so hương thì đâu phần thua kém. Không thế thì Thi Thánh Đỗ Phủ đã không mang rượu vào thơ đem lòng xưng tán “hàn hoa khai dĩ tận, cúc nhụy độc doanh chi, cựu trích nhân tần dị, khinh hương tửu tiệm tùy 寒花开已尽,菊蕊独盈枝。 旧摘人频异,轻香酒暂随”.

Rượu hoàng hoa, một thời từng ngưỡng mộ, một thời từng hoài hận ! Ngưỡng mộ vì hồn hoa hòa vào cùng hồn rượu, rượu giờ đã có hoa, làm xiêu lòng quân tử. Lại hận vì chỉ được thư trung tầm tích, chưa bao giờ nếm được chân vị kỳ hương!

Thượng Hoàng Nhân Tông dạy thật hay “Cư trần lạc đạo thả tùy duyên”, vạn vật giai tùy duyên vậy ! Mà hay thật, rồi cái duyện cũng đến. Nhớ hôm trước, do nhân duyên nào đó hội ngộ Hiện Quán, được Hoàng Hoa Nữ sĩ Viên Trân mời nếm thử mỹ tửu gia truyền. Tay ngọc nghiêng bầu, sắc vàng dìu dịu, thanh mát tựa sương đêm, hương huân mùi thanh tịnh, hớp một ngụm chợt lòng nghe phơi phới, rượu đến đâu nghe ngọt mát lạ thường, hương phảng phất như dường bất tận. Ô hay, mỹ tửu hoàng hoa bấy lâu ngưỡng mộ, nay hội đủ duyên được một lần nếm thử, ngon quá ! Nhớ hôm ấy, lòng thơ xao động, huân bút lưu chương gửi đáp tấm thịnh tình của Viên Trân tỷ :

 

久闻黄花酒、今夜总说知。

主情留杯里、使我忽狂痴。

 

Cửu văn hoàng hoa tửu, Kim dạ tổng thuyết tri.

Chủ tình lưu bôi lý, Sử ngã hốt cuồng si.

 

Từ lâu nghe tiếng hoàng hoa,

Đêm nay mới gọi thực là biết hương.

Chén lưu tình ý chủ nương,

Khiến lòng ta chợt như dường cuồng si.

 

Chẳng biết có phải chăng hồn hoa, hồn rượu đã hòa vào hồn gã cuồng, nhuận thấm cả hồn thơ! Một chén rượu, một loài hoa, một chủ nhà, một khách viếng chợt bỗng dưng tạo thành thế ngoại đào nguyên.

Nhật nguyệt thoi đưa, ngày qua tháng lại, chớp mắt đã lại là giai tiết Trùng Dương ! Cánh cúc mùa rồi, nước mưa năm trước chắc giờ đã lại lộng hương, gã cuồng nhân lòng lại say lòng lạc bước Ẩn Phương Cư tìm rượu, tìm thơ, tìm đào nguyên thế ngoại…

Thật say lòng, chỉ một chén hoàng hoa !

 

                                                                                                                                                                                                                                 Dã Hạc Cư tiết Trùng Dương năm Kỷ Sửu

                                                 

 

                                                                                                                                                                                                 

                                                                               

“钱好不好?好 !当今天下没钱办不了事。利好不好?好 !种田经商不利不早起!不过各位爱卿仔细看看这两个字,一个从戈、一个从刀,凶险哪!故朕今日所言汝等牢牢记住:不义之财取之必凶” (铁齿铜牙纪晓岚第四部乾隆帝所言)

Thứ Sáu, 16 tháng 10, 2009

đêm lặng bên thềm, khẽ lắng tiếng mưa rơi...

KHÓC CÂY XOÀI LẺ BẠN...

Trên mảnh đất nhà Ngoại, có cây xoài thật lạ, chẳng ai trồng vô tình hạt kết thành cây! Cây trưởng thành một gốc phân hai nhánh, sánh đôi trưởng thành như đũa có đôi! Bảo anh em cũng giống, sánh vợ chồng cũng hay !

Tuế nguyệt phong sương, tháng năm mưa gió, cây xoài vươn mình kết hoa đậu trái. Trái chiến đầu mùa không nhiều lắm, nhưng ngon ngọt lạ thường! Cậu Mười là người hái trái ăn đầu tiên, vừa ăn vừa tấm tắc. Ai đâu ngờ, qua mùa sau Cậu đã ra người thiên cổ ! Cây xoài giờ lại gắn liền với kỷ niệm, kỷ niệm của người ra đi !

Ngày đưa Cậu về lòng đất, cây xoài xòe tán che cỗ quan tài đưa người con vừa ra đi về bên Mẹ, ông bà Ngoại tóc lạnh sương pha, khóe mắt ứa hai giọt lệ đặc quánh của tuổi già tiễn con về đất. Những hình ảnh ấy, đôi thân xoài kia đều là chứng nhân gợi nhớ. Mỗi lần đến bên gốc xoài, người ở lại lại nhắc về người ra đi, cảm tưởng như người khuất bóng còn phảng phất đâu đó dưới gốc xoài ấy!

Chuyện đời dâu bể, ai biết được chuyện bể hóa cồn dâu !

Mảnh đất có chứa gốc xoài ấy về tay người anh em của người đã khuất, mang theo cả một nửa gốc xoài! Những tưởng một bụng mẹ sinh, hai thân trưởng thành sẽ thương nhau lắm, nào ai hay tình đời đen bạc, người ta quý tiền hơn cả khúc ruột chia hai……Một nửa gốc xoài mang theo nhánh phân hai bên phần đất ấy bị đốn hạ rồi, nửa thân còn lại nhựa ứa như máu tim tuôn chảy, như dòng lệ khóc người anh em vừa bị bàn tay ma quái nào đó đốn hạ…

Trời sinh cỏ cây không có lời nói, nhưng chắc cũng có tình! Cành lá trên thân cây xoài còn lại ủ rủ như chịu tang cho thân cây vừa ngã! Thế mới biết, cỏ cây đôi khi còn có tình hơn cả kiếp con người ! Suy đi ngẫm lại, bỗng thấy uổng phí thay cho những kẻ cũng được gọi hai tiếng “con người” dù rằng phần bản năng, phần “con” đã vượt khỏi phần “người” quá xa!

Than ôi, những CON người !

Cái gọi là tình người đen bạc là thế đấy, nói lắm rồi thì việc cũng đã rồi, người xưa nói giang sơn dễ đổi bản tính khó dời kia mà ! Thôi thì thân xoài ơi, ta thay người anh em còn lại của ngươi viết bài khóc cho ngươi, hồn ngươi phưởng phất đâu đây xin thụ hưởng, dù ngươi không còn nhưng ngươi quả là hạnh phúc, hạnh phúc vì ngươi còn có người anh em, thân cây xoài còn lại thương khóc vì ngươi, xoài ơi !

 

 

Trời sinh một gốc hóa thành đôi

Ai nở vô tâm giết một rồi ?!

Lá rủ cành khô phân lối mộng

Nhựa tràn lệ ứa khóc thân côi !

Chia cành đâu kẻ bày trò thú ?!

Tuốt lá ai người mở cuộc chơi ?!

Cây cỏ dẫu rằng không tiếng nói,

Cũng oằn thân khóc để thay lời !

 

 

Dã Hạc Cư 04.09.2009

sơn dã cuồng nhân N.Đ

Thứ Hai, 5 tháng 10, 2009

XAO XUYẾN TÌNH THU

Đã bao lần thưởng nguyệt, mỗi độ trung thu lòng lại rộn lòng chấp bút đề thơ trông chờ tri kỷ ! Xuân lại hạ qua thu đi đông đến, cõi thế mênh mông mà tìm chút tâm đồng sao khó vậy !

Vẫn chiếc bóng đối mặt Ả Hằng, lòng lạnh theo từng cơn gió thu tê tái, mắt dõi phương xa như chờ đợi một điều gì !

Đến hẹn trăng lại lên, gương nga vằng vặt giữa đêm trường lặng tiếng, gió vi vu bên thềm mà tưởng tiếng lòng phủ cầm đợi bạn với bao tha thiết chờ mong.

Lại một mùa thu đang lặng lẽ đi qua, dưới thềm văn vẫn một tấm lòng tha thiết…

 

 

Ai gửi tình thu giữa tịch liêu,

Cầm rung phím lẩy vẳng câu Kiều.

Trăng hàn một mảnh soi kim cổ,

Trà nhạt dăm chung bạn sớm chiều.

Gió quyện trầm đưa hiên vắng lặng,

Thơ ngân cánh vỗ bến đìu hiu.

Mênh mông thiên hạ thưa tri kỷ,

Ngọn gió tương tư vẫn lạnh nhiều…

 

 

 

Dã Hạc Cư 05.10.2009

sơn dã cuồng nhân N.Đ