Thứ Sáu, 20 tháng 7, 2012

chim Lạc trời Nam...

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Thầy - cánh chim Lạc bay khắp trời Âu Á,
mang bóng hình êm ả đất trời Nam;
Thầy - cành sen Việt ngát hương ngàn phương ngoại, 
gửi tặng bạn bè một chút tình quê;
Thầy - cung đàn mộng mênh mông tình Nam Bộ,
gieo vào lòng muôn thuở nét chân phương;
Thầy - bước chân đi rong ruổi khắp nẻo đường,
hồn Quốc Nhạc ươm hương vườn Thế Giới;
Thầy hiện hữu với bóng hình muôn thuở,
rất Việt Nam,
giản dị đến lạ thường…


Chín mươi hai năm hoa đời kết đóa,
Bóng thời gian chưa thể phai nhòa,
Cánh chim Lạc vẫn hiên ngang xé gió,
Cành sen thơm vẫn thắm sắc giữa đất trời,
Cung đàn quê vẫn ngân lời tha thiết,
Quốc Nhạc giờ được biết khắp năm Châu…


Ơi Thầy ơi,
Một đời Thầy
viết nên trang sử lớn,
Bầu trời Nam
lấp lánh ánh sao khuê,
Khánh thọ Thầy
con góp mấy lời quê,
Kết con chữ đề câu Đường vận,

thơ rằng:

Chín mươi tuổi Hạc có thêm hai,
Thơ rượu còn say với cõi này!
Nhạc Việt góp lời ngoài Âu Á,
Hồn quê điểm nét khắp Đông Tây.
Lòng ngân nắn phím ngàn cung mộng,
Chân bước du phương vạn dặm dài.
Tình nước chứa chan bao thuở ấy,
Tràn về sống lại dưới bàn tay…


Dã Hạc Cư tháng bảy mùa hoa
tiểu đồ Lê Ngọc Đình cung kính khánh thọ

Thứ Năm, 5 tháng 7, 2012

cảm nhận cuộc sống qua góc nhìn Phật giáo...

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Nhất niệm sân tâm khởi,

Bách vạn chướng môn khai…

                                (kinh Hoa Nghiêm)

Lời dạy cổ đức xưa dường như lúc nào cũng nhẹ nhàng, sâu lắng. Nó nhẹ nhàng tới mức khi người ta trải qua rồi mới cảm nhận được sự hiện hữu của lời dạy ấy trong từng hơi thở của cõi phù sinh.

Tối nay, vẫn đi dạy như thường ngày, nhưng khi đến cổng trường thì thấy anh bảo vệ đang to tiếng với phụ huynh của một em học viên, em học viên ấy lại là học trò của tôi.

Chuyện chẳng có gì là to tát, nhưng đôi bên càng nói càng bóp nghẹt cái không khí trong lành của buổi tối, phá tan cái không gian yên tĩnh đáng ra phải hiện hữu ở sân trường vào thời điểm này.

Số là nhà trường mới có quy định, học viên không được mặc quần quá ngắn đến lớp, việc này cũng tốt thôi, môi trường giáo dục cần có sự tôn nghiêm nhất định của nó. Theo lời cô chủ nhiệm trung tâm, thông báo này đã được ban hành khoảng hai tuần rồi và cô đã thông báo đến tất cả các giáo viên để thông báo cho lớp. Tuy nhiên, do tôi bận nhiều việc, nên hôm nào đến trường cũng đã là giờ lên lớp nên chưa kịp nghe phổ biến, tất nhiên học viên lớp tôi cũng không được nghe tôi thông báo! Và đó chính là nguyên nhân dẫn đến sự cố đáng tiếc của tối hôm nay.

Cô bé chỉ mới là học sinh cấp hai, hôm nay lên lớp em mặc chiếc quần Jean dài qua khỏi đầu gối một chút, và thế là anh bảo vệ cương quyết không cho em vào lớp. Em học viên này tuy nhỏ nhưng tính tình rất thẳng thắn, em nói là em chưa được nghe thông báo này và thế là phụ huynh vào cuộc…huyên náo cả một khoảng sân vốn dĩ rất yên tĩnh của một ngôi trường!

Việc xảy ra, khó nói được ai sai ai đúng, bởi lẽ khi một sự việc bùng nổ hay phát sinh nó là quả của một tập hợp nhân. Nói khác đi, chẳng thể có đơn phương một cá nhân nào đó đúng, và càng không thể có đơn phương một cá nhân nào đó sai khi xảy ra xô xát giữa hai người. Nó là bảng tổng phổ giữa những nốt đúng và nốt sai đan xen vào nhau để cùng tấu nên bản trường ca mang âm hưởng kích động đến khó nghe!

Dù rằng tôi đã nhận phần sai về mình, tôi xin lỗi cả phụ huynh và cả anh bảo vệ, nhưng dường như ngọn lửa sân hận được thổi lên từ chiếc đèn bản ngã, thì cũng như tam muôi chân hỏa của Hồng Hài Nhi vậy, dù có gom hết nước bốn biển, thỉnh xuất cả tứ hải Long Vương phỏng có ích gì! Ai cũng muốn giành lấy phần đúng về mình, khổ nổi, chân lý đâu thể nào tranh giành mà có được, nên càng cố giành chân lý lại càng xa!

Chuyện xảy ra rồi, không có ai đúng, chẳng có ai sai; ai cũng có đúng, ai cũng có sai, cái đúng và cái sai đan xen vào nhau rồi chia đều cho mỗi người trong cuộc, vấn đề còn lại là ai cũng muốn lọc lấy phần sai dành riêng cho đối thủ, còn cái đúng hoàn toàn lại muốn giữ trọn cho mình! Mầm móng chiến tranh đâu chẳng ươm mầm từ những mảnh vườn ươm đơn giản thế!

Tôi đứng lặng dõi theo ngọn lửa sân của hai người đang phừng phừng thiêu đốt lấy họ, bất chợt cảm thấy thương cho mỗi chúng ta trong dòng trôi bất tận của vô minh. Chúng ta đã không nhận ra được là chúng ta đã thảm bại trước bản tâm ngay phút giây ta cố giành lấy chiến thắng trước đối phương bằng lòng sân hận và ngã mạn! Chợt thương cô bé học trò nhỏ của tôi, nó sẽ nghĩ gì về cách ứng xử này của người lớn ngay trong sân trường – nơi nó được đưa đến với mục đích rèn đức luyện tài?!

Còn nhớ, có lần có một phóng viên hỏi Hòa Thượng Thánh Nghiêm “khi một sự việc bất như ý đến với Ngài, Ngài sẽ chọn cách giải quyết thế nào?”. Ngài Thánh Nghiêm cười rất nhẹ nhàng đáp “đối mặt với nó – tiếp nhận nó – xử lý nó – rồi đặt nó xuống”! Tôi thật bất ngờ với cách xử thế này của Hòa Thượng, thật nhẹ nhàng, sâu lắng nhưng mang cái nhìn và cách ứng xử của Thánh triết Hiền nhân.

Suy ngẫm lại, trong cuộc sống, một ngày chúng ta phải đối mặt với biết bao nhiêu là sự việc, việc như ý và việc bất như ý hầu như giờ phút nào cũng hiện hữu, khi sự việc bất ngờ xảy đến, nếu mỗi chúng ta ai cũng biết đối mặt với nó bằng sự tỉnh táo, tiếp nhận nó bằng tấm lòng rộng mở, rồi xử lý nó bằng trí tuệ bát nhã và buông nó xuống như một quy luật hiển nhiên thì có lẽ thế giới này đã là thiên đường ở ngay phút giây hiện tại, ngay dưới gót chân của mỗi một chúng ta. Tiếc là ít có người nhận ra được điều ấy!

Một hành động nhỏ, lại có thể mang đến bình yên cho mình và cho người nhưng sao lại ít người chịu tiếp nhận và thực hành, chẳng trách Cổ Đức thường bảo chúng sinh si mê lắm!

Mùa hè nào, đài truyền hình cũng phát sóng lại bộ phim Tây Du Ký, người lớn trẻ con ai cũng thuộc nằm lòng, nhưng thuộc là thuộc tình tiết của phim còn như những gì Ngô Thừa Ân gửi gắm vào từng con chữ thì xem ra ít người chịu nhận, phụ cả tấm lòng lao tâm khổ tứ của một đại tác gia!

Hay đâu, ngọn tam muội chân hỏa nơi Hỏa Vân Động núi Hồng Lĩnh của Thánh Anh Đại Vương Hồng Hài Nhi  lại được đốt lên từ lòng sân hận trong hình hài của một đứa trẻ con dù rằng đã có 300 năm tuổi. Ngọn lửa ấy có thể thiêu rụi tất cả những gì cản trở trên bước tiến của nó mà không có một dòng nước nào dập tắt được, dù rằng có là thánh thủy của tứ hải Long Vương cũng chẳng ích gì. Ngọn lửa ấy chỉ thực sự lắng dịu và tắt hẳn đi khi tiếp xúc với giọt nước ngọt ngào, kết tinh từ tình yêu thương bất tận trong tịnh bình, rưới xuống phàm trần qua cành dương liễu thật mềm mại nhẹ nhàng từ bàn tay bi mẫn từ tường của Bồ Tát Quán Thế Âm mà thôi!

Qua chuyện này rồi mới cảm nhận sâu sắc khả năng xoa dịu nỗi đau kiếp người của hạnh nguyện từ bi. Tự răn, đừng biến mình thành đứa trẻ con với tâm sân hận, cố ý hay vô tình làm tổn thương mọi người chung quanh bằng ngọn lửa tham sân được thắp lên từ cái bản ngã ít kỷ của chính mình…

Giữa trần gian đầy biến động, nguyện học cách đem tình thương vô bờ bến kết tinh thành cam lộ, mang tâm nhẹ nhàng uyển chuyển như đức tính của cành dương liễu, vẫy từng giọt cam lộ ngọt ngào thanh tịnh xoa dịu đi phần nào cái nóng của kiếp trần gian lao nhọc thân người…

 

Dã Hạc Cư mùa an cư năm Nhâm Thìn

sơn dã cuồng nhân