Thứ Tư, 24 tháng 2, 2010

CHIỀU XUÂN ĐỘC ẨM CẢM TÁC

 

 

Đôi lúc cười vang một kiếp trần,

Lợi danh lá sớm rụng ngoài sân.

Cần câu Lã Vọng* không ưng học,

Mảnh đất Kỳ Sơn** quyết dự phần

Thác mộng Trang Sinh*** cầu tỉnh mộng,

Hoá thân huyễn ảo để tìm thân.

Ai về Dã Hạc cùng tâm sự,

Ngắm ánh hoàng hôn khẽ xuống dần.

                                   Dã Hạc Cư 24.02.2010

                           Sơn dã cuồng nhân Lê Ngọc Đình

-------------------

Chú thích :

* “Theo Phong Thần Diễn Nghĩa”Lã Vọng tức Khương Thượng hiệu Tử Nha, trước theo Nguyên Thỉ Thiên Tôn học đạo Tiên ở cung Ngọc Hư núi Côn Luân, nhưng do không có duyên đắc đạo thành Tiên nên đã vâng pháp chỉ của Thầy chưởng quản bảng phong thần hạ sơn phò Châu phạt Trụ. Khi mới hạ sơn, thời vận chưa tới, Khương Thượng thường ngồi câu cá ở Bàn Khê, lạ là lưỡi câu của ông không uốn cong mà dũi thẳng, người đương thời cho là ông ngốc, nhưng ông cười và bảo “cái ta cần câu là thời vận chứ không phải cá”. Sau vua Văn Vương nhà Chu biết được bái ông làm Tướng, từ đó Khương Thượng phò 2 đời vua Văn, Võ hưng binh hội chư hầu ở Mạnh Tân phạt trụ kiến tạo vương triều nhà Chu.

** Theo truyền thuyết, thời Vua Nghiêu bên Tàu có một hiền sĩ là Hứa Do, có lần vua Nghiêu thân đến muốn nhường ngôi cho Hứa Do, ông không nhận và trong đêm đó đã bỏ trốn về quy ẩn tại Kỳ Sơn.

*** Trang Sinh tức Trang Chu, sống vào thời Chiến Quốc (-403 -221). Trong thiên “Tề Vật Luận” sách “Trang Tử” có đoạn viết “Tích giả Trang Chu mộng vi hồ điệp, hủ hủ hồ điệp dã, tự dụ thích chí dư! Bất tri Chu dã. Nga nhiên giác, tắc cừ cừ nhiên Chu dã. Bất tri Chu chi mộng vi hồ điệp dư, hồ điệp chi mộng vi Chu dư? Chu dữ hồ điệp, tắc tất hữu phận hĩ. Thử chi vị vật hoá昔者庄周梦为蝴蝶,栩栩然蝴蝶也,自喻适志与,不知周也。俄然觉,则蘧蘧然周也。不知周之梦为蝴蝶与,蝴蝶之梦为周与?周与蝴蝶则必有分矣。此之谓物化.” (Có lần Trang Chu nằm mộng thấy mình hoá bướm vui vẻ bay lượn mà không biết mình là Chu nữa. rồi bỗng tỉnh dậy, ngạc nhiên thấy mình là Chu. Không biết phải mình là Chu nằm mộng thấy hoá bướm hay là bướm mộng thấy hoá Trang Chu. Trang Chu với bướm tất có chỗ khác nhau. Cái đó gọi là “vật hoá” vậy). “Hán Ngữ Ngữ Điển” giải thích là “tỷ dụ nhân sinh hư ảo, biến hoá vô thường” (Hán Ngữ Ngữ Điển, Hán ngữ đại từ điển xuất bản xã 2003, tr 907).

8 nhận xét:

  1. "Hoá thân huyễn ảo để tìm thân."

    "Ai về Dã Hạc cùng tâm sự,
    Ngắm ánh hoàng hôn khẽ xuống dần."

    => Tỷ thích mấy câu này quá! :)

    Trả lờiXóa
  2. Mình thích 2 câu đầu, rất hay :)

    Đôi lúc cười vang một kiếp trần,

    Lợi danh lá sớm rụng ngoài sân.

    Trả lờiXóa
  3. Bài thơ thật hay và ý tứ thật sắc sảo, câu từ chau chuốt vần điệu nhịp nhàng, rất đúng niên luật .Bái phục ,bái phục vô cùng!Theo thiển ý của tui ,bài thơ có phần thoát tục,đọc lên mang mác như người đã dấn thân vào cõi tiên bồng,và ở trên cao ấy ,người viết ngoái lại nhìn kiếp ba sinh mà nói lên tâm sự của mình ?

    Trả lờiXóa
  4. Hoàng hôn bao phủ khắp thế trần
    Nàng khẽ cười cùng với chúa xuân
    Nàng gió khẽ rung những chiếc lá
    Cớ sao Dã Hạc "hóa tìm thân"?

    Trả lờiXóa
  5. con chưa hiểu hết ý của thầy rồi!

    Trả lờiXóa
  6. Chính vì thế con mới đặt câu hỏi bự thiệt bự cho thầy đóa. Mà thiệt. Hổng hiểu thiệt.

    Trả lờiXóa