Thứ Hai, 31 tháng 8, 2009

ĐÊM MƯA NGHE CẦM

Đêm lại xuống, trời lại đổ mưa, Dã Hạc Cư phủ mờ trong muôn nghìn giọt nước, gã sơn dã lặng lẽ giữa thư phòng, thả lòng theo từng cung điệu cầm vang xao động ! Mưa đẹp và tinh khôi đến lạ. Tiếng tiếng vỗ đều trên mái lợp, tí tách trên mặt hồ, lộp độp dưới tàu tiêu, dường như mưa muốn đem lòng mình thổ lộ tất cả với gã cuồng nhân lặng lẽ giữa cô phòng tịch tĩnh.

Nhưng mưa hỡi, mưa có biết mỗi lần mưa về bên ngõ vắng, gã si tình như dại như điên lòng cũng ngổn ngang trăm mối.

Yêu mưa lắm nhưng cũng buồn mưa nhiều lắm, mưa đã về sao còn mang cả kỷ niệm xưa?! Vết thương cũ đã nhạt mờ năm tháng, sao mưa còn quét bụi thời gian, chiêu hồn ký ức, cho tan nát lòng một gã trót dại yêu?!

Điệp khúc mưa vẫn chứa chan tình muôn thuở, và đây gã cuồng vẫn đêm đêm gối mộng, ôm mưa vào lòng ru lại khúc cuồng si……

 

 

Lắng cung tơ, gửi tiếng lòng

Bâng khuâng gối mộng cô phòng đêm mưa

Cung nào buông điệu chiều đưa

Cung nào dệt mộng ngày xưa hẹn thề

Cung nào ước nghĩa phu thê

Cung nào lệ nhỏ tỉnh mê vô thường

Cung nào nửa nhớ nửa thương

Cung nào cô quạnh canh trường tịch liêu

Cung nào lắng giữa bao chiều

Cung nào e ấp hồn yêu…...vỡ rồi

Cung nào nối giấc đơn côi

Cung nào khóc kẻ tường vôi lạnh lùng

Cung nào ai thấu cho cùng

Tàn canh trống vỗ tình chung xa rồi……

 

Dã Hạc Cư 31.08.2009

sơn dã cuồng nhân N.Đ

Chủ Nhật, 30 tháng 8, 2009

ĐÊM TRỞ GIẤC NGHE MƯA

Đêm gối giấc giữa Dã Hạc Cư chợt giật mình trở giấc bởi tiếng mưa rơi. Mưa lại đến thư phòng tìm gã cuồng nơi sơn dã. Mưa luôn buồn, nhưng lại có sức hút lạ lùng. Trăm vết kỷ niệm tưởng xoá nhoà dưới tuế nguyệt phong sương, ai hay, một cơn mưa qua quét bụi mờ năm tháng, khoảng lặng năm nào chợt như tái hiện giữa màn đêm!

Dưới mưa vẫn một gã cuồng thao thức, lắng giọt mưa rơi mà thả hồn vào ngọn bút, chẳng biết rằng ta đang thưởng thức mưa hay giải bày tâm sự. Cảm xúc theo vạn âm thanh tràn ra trang giấy, như mong như chờ như tìm kiếm khách tri âm!

Mưa vẫn rơi bên thềm hiên vắng, cung điệu tiếng lòng theo dòng nước chợt âm vang……

 

 

Cô phòng lắng nhịp tiếng mưa đêm

Cứ ngỡ chừng như những bước mềm

Tiếng tựa dây đàn căng phím nhạn

Tiếng dường giọng hát rót nhung êm

Tiếng đùa thơ thẩn vào bên án

Tiếng bước bâng khuâng lạc dưới thềm

Tiếng vỗ xao lòng trong giấc quạnh

Tiếng xui thi hứng chợt nồng thêm

 

Dã Hạc Cư 30.08.2009

sơn dã cuồng nhân N.Đ

 

TỰ TÌNH MƯA

Chiều xuống mưa giăng vạn khúc sầu,

Chén trà lẻ bạn buốt tình Ngâu !

Trầm đưa hương đọng thư phòng vắng

Mực rót tình loang mảnh giấy nhầu

Ai oán cầm xao cho lạc mộng

Nhạt nhoà lệ đổ lại về đâu ?!

Đường xa mưa phủ mờ dấu khách

Gió lộng cành đưa lạnh sắc màu…

 

Dã Hạc Cư 30.08.2009

sơn dã cuồng nhân N.Đ

Thứ Hai, 24 tháng 8, 2009

MẸ ƠI ...

Chiều nay đi làm về, ngang qua một ngôi chùa, thấy trước cổng tam quan treo tấm vải trên đề dòng chữ “Kính mừng đại lễ Vu Lan”, lòng chợt bồi hồi, thế là một mùa Vu Lan nữa lại đến, lại một năm tròn vẫn còn được hưởng cái hạnh phúc tối thượng cõi nhân gian! Hạnh phúc gì ư?! Hạnh phúc còn có Mẹ trong đời! Vui lắm!

Trong Phật giáo có lễ cài hoa hồng, nghe đâu do Ôn Nhất Hạnh biến tấu từ tập tục cài hoa cẩm chướng cho nhau trong ngày của Mẹ từ văn hoá phương tây, sau đó truyền vào trong giới Phật giáo nhưng được thay bằng hoa hồng .

Còn Mẹ, ngực áo đỏ thắm sắc hoa hồng kiêu hãnh trong ngày lễ Vu Lan, để rồi chắp tay trước ngực quỳ dưới Phật đài mà cảm nhận niềm hạnh phúc bất tận của một con người, mặc cho dòng lệ mừng chứa chan trên khoé mắt :

“Mẹ lại cho con trọn nụ cười,

Vu Lan này vẫn đoá hồng tươi

Chắp tay thầm nguyện ơn Trời Phật

Cho Mẹ bên con suốt cuộc đời” *

Còn Mẹ, bầu trời như xanh hơn, màu xanh của niềm hy vọng. Bất kể chuyện dù lớn hay nhỏ, dù đơn giản hay phức tạp, chỉ cần còn có Mẹ niềm hy vọng sẽ mãi mãi còn đọng lại trên sắc thắm bờ môi.

Còn Mẹ, con đường đời phía trước dù khúc khuỷ gập ghềnh mấy rồi thì cũng trở nên dễ đi hơn, bởi lẽ, trên mỗi bước chân hằn lên con đường ấy có ánh mãi của Mẹ an ủi vỗ về chắp cánh đỡ nâng.

Còn Mẹ, mỗi buổi tan sở lòng còn ấm áp trên mỗi bước đi về.

Và còn Mẹ, có nghĩa là còn tất cả trong dòng đời xuôi ngược.

Thế mới biết, dù anh có 70 tuổi đi chăng nữa, dù anh có là Giáo Sư hay Tiến Sĩ gì đi chăng nữa mà anh vẫn còn Mẹ, thì quả thật đó là món quà quý nhất mà Thượng Đế ban tặng cho anh trong đời này. Khi anh đau khổ nhất, khi anh thất bại thảm hại nhất, khi anh tưởng chừng như không còn lối thoát, khi tất cả mọi người đều quay lưng lại với anh. Đừng lo, hãy hướng về Mẹ, bà có thể là một người không tiếng tăm, không bằng cấp, không địa vị nhưng bà lại là người tìm ra cho anh – một Giáo sư, một Tiến sĩ hay một Kỹ sư, Bác sĩ, một quan chức cao cấp gì đấy một lối thoát thật an toàn.

Tôi và anh hôm nay, hãy cùng cài lên ngực áo đoá hoa hồng thắm sắc và cùng nghĩ về Người, người phụ nữ mà suốt đời manh áo rách vai cho chúng ta quần lành áo đẹp, người mà suốt đời đôi vai gầy trĩu nặng gánh gia đình để chúng ta nhẹ bước trên nẻo lợi đường danh, người mà suốt đời cơm chẳng dám no để chúng ta căng tràn nhựa sống, người mà suốt bao đêm chưa tròn giấc ngủ để chúng ta được say trong giấc mộng êm đềm, người đã dùng trọn cả tuổi thanh xuân đổi cả mái tóc xanh để ta vươn mình đứng dậy, người mà mà suốt đời ta gọi mãi hai tiếng “Mẹ ơi”……

 

Kính dâng Mẹ

và tặng cho những tâm hồn đồng điệu

Dã Hạc Cư mùa Vu Lan 2009

sơn dã cuồng nhân N.Đ

---------------------------------

* Thơ Ngọc Đình

Thứ Năm, 20 tháng 8, 2009

ĐOẢN KHÚC NGÔNG


                                   Bến mộng tìm vui giữa phút ngông,

                                   Đề câu xướng họa với tâm đồng

                                   Rượu vơi thay chén ươm trà ngát

                                   Thơ cạn vung tay vẩy mực nồng

                                   Xuân hết thời vui cùng nắng Hạ

                                   Thu tàn lại bỡn với chiều Đông

                                   Dòng đời ai bảo ngàn xao động

                                   Sơn dã nơi đây nắng vẫn hồng !

 

                                                                       Quý mến đề tặng những tâm hồn đồng điệu

                                                                                    đã hạ cố đến với Dã Hạc Cư

                                                                                         Dã Hạc Cư 20.08.2009

                                                                                       sơn dã cuồng nhân N.Đ

Thứ Ba, 18 tháng 8, 2009

SƠN DÃ CA

 

Quẳng gánh công hầu đổi thảnh thơi,

Rượu bầu thơ túi sẵn rong chơi.

Vòng tay ôm nguyệt đề câu xướng,

Ngửa mặt nhìn mây ngoảnh chuyện đời.

Múa bút trải lòng in giấy trắng,

Đun trà gột niệm lặng dòng trôi.

Đời vui sơn dã tiên trần tục,

Mở lối Đào Nguyên giữa kiếp người.

 

 

                                         Quý tặng những tâm hồn đồng điệu

                                         Dã Hạc Cư 18.08.2009

                                         sơn dã cuồng nhân N.Đ

MÂY KHÓC TÌNH AI.....- Quý tặng ku Savio

                

Mây khóc tình ai trắng giọt sầu,

Mang mang cõi thế biết về đâu ?!

Trót ôm lấy cả đời dâu bể,

Đành trả cho xong kiếp dãi dầu.

Nợ hiếu đã rồi mang trọn gánh,

Duyên tình thôi phó mặc ngàn sau.

Mai về sống giữa miền hư ảo,

Lệ nhuốm sương pha lạnh mái đầu……

 

Dã Hạc Cư chiều mưa 17.08.2009

       sơn dã cuồng nhân N.Đ

 

Chủ Nhật, 16 tháng 8, 2009

SAY TRĂNG

Trăng rót làm chi sắc lụa vàng

Cho thơ thêm thắm nét đài trang

Cho tình vung vãi trên thềm nhạc

Cho ý lung linh giữa điệu đàn

Cho hứng dâng tràn vào ngọn bút

Cho sầu tan cả giữa quan san

Cho lòng sơn dã say muôn kiếp

Ôm bóng trăng khuya gối mộng ngàn…

Dã Hạc Cư 15.08.2009

                                                                                                sơn dã cuồng nhân N.Đ

 

Thứ Bảy, 15 tháng 8, 2009

MỘT THOÁNG BA MƯƠI

Chớp mắt đã sắp bước vào cái tuổi “nhi lập” rồi, thời gian trôi đi nhanh như tia chớp, chẳng chờ đợi lấy một ai cả! Ngày xưa khi còn bé, cứ hay trông ngóng mau đến nghỉ hè, nghỉ tết để được vui chơi cho thoả thích, ấy vậy mà thời gian cứ như trêu ngươi lê dài từng bước một. Hơn hai mươi năm sau, cũng không gian và thời gian theo quy luật như thế nhưng không hiểu sao lại cảm thấy nó nhanh đến phát khiếp, nhanh đến mức ta cứ tưởng một ngày dường như đã bị bớt đi 12 giờ vậy.

Vào tuổi ba mươi, chợt ngồi lặng nhìn lại dường như có gì đó nuối tiếc, nuối tiếc cái tuổi thanh xuân vừa trôi qua, nuối tiếc khoảng thời gian mà mình phung phí, và còn gì nữa quả thật là khó mà nói cho rõ được!

Người ta hay nói cái tuổi ba mươi là cái tuổi sung mãn thăng hoa của một người đàn ông, dẫu biết vậy mà sao vẫn nuối tiếc. Hoá ra, dù rằng tuổi mới lớn lắm bồng bột nhiều lỗi lầm nhưng vẫn là cái tuổi thật đẹp! Ngày ấy, gia đình nghèo nên phấn đấu học. Học để lấy học bổng, học để thoát cái nghèo, học để thoát khỏi sự miệt thị khinh khi của một số người, mục tiêu là vậy nên tiếp theo đó là một chuỗi phấn đấu không ngừng, phấn đấu và phấn đấu để cuối cùng để cái tuổi mộng mơ kia vụt qua mà không hề hay biết !

Một chiều nào đó, bên ly café đắng bên một góc phố nào đó giữa Saigon phồn hoa đô hội, ngắm các cô cậu “teen” tung tăng hồn nhiên trên phố mà cảm thấy ngưỡng mộ, ngưỡng mộ cho cái nét hồn nhiên vô tư lự ấy. Cuộc sống bây giờ thay đổi nhiều hơn trước, tuy không phải nhà ai cũng khá giả nhưng phần lớn các bạn nhỏ bây giờ có thể vô tư vô lự mà nô nức đến trường. Ngày ấy, mỗi lần tụ trường, thấy Ba Mẹ chạy lo ngày lo đêm mới có được chiếc áo vải ngà ngà thô ráp trong ngày khai trường. Có lần, trường bắt phải mang giày sandal khi đi học, cấm không được đi dép “lê” vào trường, nhưng khốn nỗi cái thuở ấy giày sandal là một món đồ thật xa xỉ, đôi dép lê rẻ tiền mòn tới gót chân rồi mà còn chưa được nghỉ hưu thì nói gì là mua giày, thế là đã đôi lần được giám thị mời lên đứng trụ cờ sau khi bị gõ vào mắt cá chân mỗi bên 5 cái với những lời lẽ có lẽ là “hơi bị khiếm nhã” !

Mãi rồi cũng quen, quên cái tự ái vì thiếu thốn vật chất để nhét đầy con chữ. Nhưng đã được yên thân đâu, đời là vậy, lắm tiền người bảo “bất chính”, nghèo quá thì họ lại kháo nhau “phường đầu trộm đuôi cướp, trách ai bây giờ, hay chỉ là trách cái số phận của mình, nghèo thì sẽ hèn mà ! Không ít lần người ta cứ quy kết cho mình cái tội ăn cắp ăn trộm mà không hề cho phép mình nói lấy một lời tự biện.

Mọi chuyện rồi cũng qua đi, ngưỡng cửa vào đời tuy hẹp nhưng cũng không quá nhỏ nhen với người có lòng. Suy đi tính lại trời cũng thật công bằng lắm, hễ người này ghét mình thì sẽ có người khác thương mình, sau “bao nhiêu năm làm khiếp con người” tôi cũng nghiệm ra cho mình một bài học, đừng gắn cuộc đời mình vào lời nói của những người ghét mình mà hãy phấn đấu cho xứng đáng với những người thương mình, với cách nghĩ ấy, dường như bây giờ tôi thanh thản hơn nhiều rồi!

Chiều nay, vô tình đi qua cánh đồng cỏ giữa Saigon tấp nập ồn ào, không lớn lắm nhưng cũng đủ cách ly mình khỏi cái thế giới quay cuồng không điểm dừng. Lặng lẽ ngồi trên thảm cỏ, dõi mắt dài theo những vệt nắng mờ dần theo mỗi bước hoàng hôn, lòng bỗng nghe thanh thản đến lạ.

Ba mươi rồi, ba mươi năm trôi qua, ba mươi năm hiện diện, ba mươi năm rộn bước thăng trầm, ba mươi năm với bao bài học của cuộc đời để trưởng dưỡng một cõi lòng và một tâm hồn. Ba mươi năm, đã ba mươi năm rồi, hãy cố gắng nữa, Đình ơi……

 

Dã Hạc Cư 15.08.2009

sơn dã cuồng nhân N.Đ

 

Thứ Năm, 13 tháng 8, 2009

PHỐ BIỂN CHIỀU KHÔNG EM - Viết cho người tôi thương

Chiều phố biển cát dài in nỗi nhớ

Bước chân thầm nghe hơi thở chiều xa

Tình đơn côi ướm nụ…chẳng thành hoa

Và em vẫn mãi là trong nỗi nhớ !

 

Nghe biển hát,

Muôn cung chờ trong tiếng lặng

Mảnh hồn nào chợt trĩu nặng giữa hoàng hôn

Bờ cát trắng sóng xô dồn bất tận

Gã si tình bước chân vẫn còn đi !

 

Tình yêu hỡi biết nói gì cho thực tại

Em và anh hai nỗi nhớ…chẳng gần nhau

Biển màu xanh và trời cũng màu xanh

Nhưng trời biển liệu có thành đôi lứa ?!

 

Bước chân lặng vừa lưu tình trên cát

Gió hửng hờ xé nát mảnh tình say

Trên khóe mắt chợt như cay ngấn lệ

Gió thì thầm cho tê tái cõi lòng ai……

 

Nha Trang 24.06.2009

sơn dã cuồng nhân N.Đ

Thứ Hai, 10 tháng 8, 2009

"Đừng vội phê phán người, hãy mở lòng ra và lắng nghe họ. Nếu bạn nghe họ bằng trái tim tràn đầy tình thương, tình thân ái thì hình ảnh được đọng lại trong trái tim bạn là sẽ là những hình ảnh rất đẹp" (sdcn)

NIỆM KHÚC CHIỀU MƯA

Chiều nay, mấy anh bạn làm chung kéo đi chén tạc chén thù, định không đi, nhưng mọi người kêu mãi nên cũng hưởng ứng cho vui. Quán Tây Hồ nằm bên bờ một con sông nhỏ, gọi là đẹp thì không hẳn, nói quyến rủ thì không phải, nhưng quả thật dòng sông có cái gì đó khiến người ta thật dễ chịu khi ngồi bên cạnh nó. Một nét đơn sơ, mộc mạc thêm lối thiết kế quán vách lá mái tranh càng gợi cho người ta cái cảm giác thanh thản khó tả. Rượu mới ngà say, trời bỗng rót mưa xuống trần gian. Mưa không to nhưng đủ làm say hồn sơn dã, lất phất như buông rèm trên dòng sông in bóng bảng lảng của hoàng hôn. Nhìn dòng trôi của con nước chiều mưa mang theo từng mảng lục bình mà cứ như cảm nhận được dòng đời vậy. Đã mấy mươi năm ta như cánh lục bình trong vô số cánh lục bình ấy trôi mãi theo con nước, giờ giật mình nhìn lại……Ồ, mừng thay, ta vẫn là ta ! Gốc bá năm nào tưởng chừng bị chôn lấp dưới lớp bụi phong trần, ai hay trong giấc mộng phù sinh trăm ấy gốc bá vẫn còn nguyên là gốc bá, vẫn vươn mình giữa tuế nguyệt phong sương. Một phút xao lòng trào dâng thi ý, thảo vội lại đôi dòng ghi dấu một chiều mưa…

 

 

NIỆM KHÚC CHIỀU MƯA

 

Giang đầu buông lửng vạn mành tơ

Mưa đẹp chi cho hoá thẩn thờ ?!

Ý thả dòng trôi xui lạc mộng,

Hồn nương ngọn gió lẻn vào thơ

Hương nồng rượu điểm bờ môi nhạt

Tình đượm duyên tô nét mặt khờ,

Những tưởng phong trần vùi gốc bá

Nào hay vẫn đấy một trời mơ !

 

 

 

Dã Hạc Cư 10.08.2009

sơn dã cuồng nhân N.Đ

Thứ Năm, 6 tháng 8, 2009

Hôm nay ......

Start:     Aug 6, '09 10:00p
Hôm nay thật đặc biệt, này nhé : Năm 09, Tháng 08, Ngày 07, Thứ 06, Giờ 05, Phút 04, Giây 03, Người 02, Giường 01, Quần áo 00, have fun

CÂU CHUYỆN VƯỢT THỜI GIAN*

 

Chuyện kể rằng ngày xửa ngày xưa xưa lắm lắm luôn rồi, ở đất nước nào đó có một ông trưởng giả (không phải hoàng tử đâu nhé). Ông này có 4 bà vợ thiệt xinh đẹp. Người xưa hay nói “trồng trầu thì phải khai mương, làm trai hai vợ phải thương cho đồng” nhưng mà trời ơi, đồng gì chi nổi, thể nào cũng lệch bên này hoặc bên kia thôi (chú ý : cái này suy luận chứ hỏng phải kinh nghiệm bản thân đâu nhé) ! Hai vợ còn thế, bốn vợ khỏi nói thì ai cũng hiểu (không hiểu về hỏi lại bố mẹ hén).

Và tình hình cụ thể là vầy: Bà vợ thứ nhất là người được ông cưng chiều nhiều nhất. Ông chăm lo từ ly từ tí chẳng sai sót tí nào. Này nhé, bà hơi ho là đưa đi bác sĩ ngay, trái gió trở trời là không cho ra phố, mặc thì lụa là gấm vóc, ăn thì toàn thứ ngon thứ bổ, các trò giải trí, bà thích thứ gì ông cho thứ nấy….nói chung những gì ông cho là tốt nhất ông đều mang lại cả cho bà. Trước mọi người thì khỏi phải nói, ông luôn tự hào về bà, tự hào tới mức ai vô phép với bà dù vô tình hay hữu ý, dù trực tiếp hay bóng gió ông đề tìm cách xử đẹp ngay. Thậm chí, nếu có ai đó có ý kiến trái ngược với ý kiến của bà ông cũng cảm thấy tức tối lồng lộn lên như là vừa bị một con bò một nào đó tung một cước trời giáng vào mông vậy. Đi đâu cũng tay trong tay sánh bước. Ăn uống cũng có nhau, chi ngọt xẻ bùi cùng nhau. Các cuộc vui chơi, ông đều không thể thiếu bà . Ông không rời bà nửa bước. Và hiển nhiên, bà vợ này rất ư sung sướng trong vòng tay chăm sóc không tiền khoáng hậu của ông chồng trưởng giả của mình rồi!

Bà thứ nhất chiếm vị thế độc tôn như thế, thế còn bà thứ hai thì sao nhỉ?! Bà thứ hai tuy khong được như bà thứ nhất, nhưng cũng được ông trưởng giả yêu chiều không kém đâu đấy. Ông có bà chẳng dễ dàng chút nào, hết chạy đông rồi lại sang tây, hết trời nam lại sang đất bắc, hết năn nỉ ỉ ôi đến tìm mọi thủ đoạn, tìm trăm phương ngàn cách để ông cưới được bà. Cưới về rồi, ông gìn giữ nâng niu như báu vật, luôn tìm mọi cách để mọi người biết ông có được bà, nhưng lạ là ông không muốn cho ai thấy bà, càng không muốn ai tiếp xúc với bà ngaọi trừ ông. Mà bà này cũng ghê gớm lắm, bà chi phối ông cũng không kém. Có bà thì ông vui, vắng bà thì ông buồn, thậm chí mất ăn mất ngủ thao thức đến bạc trắng cả mái đầu. Muốn làm việc gì, có bà thì ông thành công, không có bà thì ông thất bại. Để đáp lại tình ông, bà cho ông một ân huệ là ông yêu bà càng nhiều thì bà càng mang thành công to lớn đến với ông.

Thế còn bà thứ ba thì sao nào ?! Từ từ, đừng vợi, để kể cho nghe ! Bà thứ ba tuy không được sự yêu chiều của ông như bà cả và bà hai vì bà này tính tình thất thường, lúc thì niềm nở với ông  khi lại xem ông rất rẻ rúng. Lúc thì ra sức giúp đỡ ông, nhưng cũng không ít khi bà tỏ ra dửng dưng lạnh lùng khi ông tìm đến. Dù vậy nhưng vì nghĩ cái tình của bà có lúc cùng ông chia ngọt xẻ bùi, đồng lao cộng khổ. Giúp đỡ nhau lúc ngặt nghèo, chia vui lúc thành đạt. Nhưng tuyệt nhiên, tình cảm ông dành cho bà không thể nào so sánh được với tình cảm ông dành cho bà thứ hai và càng không thể so sánh vị trí với bà thứ nhất.

Cuối cùng là bà thứ tư! Ôi nói đến bà vợ thứ tư của ông thì ôi chao, thê thảm phải biết! Chẳng biết có phải cha mẹ ép duyên bắt ông cưới bà này hay không nữa mà trông ông chả có tí chi gọi là dòm ngó (không phải quan tâm nhé, chỉ dòm ngó thôi đó) đến bà. Ông không bao giờ quan tâm đến sự có mặt của bà, chẳng chăm sóc, chẳng hỏi han, mặc tình bà tự sinh tự diệt. Ông dửng dưng đến mức ông không cảm nhận được sự hiện diện của bà dù rằng bà đang hiện hữu từng giờ từng phút bên ông, dù rằng đó là lúc ông ngủ! Với ông, bà tồn tại như một cái bóng, à không không, như một vật thể vô hình thì đúng hơn. Thế nhưng oái oăm thay, bà này lại thương ông hết mực (haizzz cái duyên là cái nợ là vậy !), mặc ai nói “có chồng hờ hửng cũng như không”, bà vẫn theo sát bên cạnh ông, dõi mắt từng nhất cử nhất động của ông. Ông làm chi bà cũng biết cũng nhớ, dù rằng ông chưa hề để mắt tới bà!

Cái kiếp chồng chung là thế, mười hai bến nước trong nhờ đục chịu mà, nếu chẳng phải thế thì Bà Chúa thơ Nôm họ Hồ kia đã không thốt lên tiếng uất nghẹn “chém cha cái kiếp lấy chồng chung”, đúng không ạ ?!

Cuộc sống của gia đình ông trưởng giả cứ như thế mà tiếp diễn nhưng một quy luật bất di bất dịch dù rằng trong nó sự mâu thuẫn ngày càng lớn mạnh. Nhưng người ta thường nói, kiếp sống xong rồi còn lo kiếp chết. Qủy vô thường bắt người không hề coi mặt, già cũng bắt, nhỏ cũng gom, đàn ông không bỏ, đàn bà cũng chẳng tha và tất nhiên cụ trưởng giả nhà ta cũng không thoát khỏi quy luật ấy.

Sau mấy mươi năm duy trì cái luật mà ông đặt ra trong quan hệ tình cảm của ông với 4 bà vợ, một hôm đứng trước gương kê tôi mắt tèm nhem vào sát tấm gương kê trên vách, ông giật mình phát hiện da đã nhăn nhúm, mái tóc xanh rụng dần quá nửa, nửa còn lại nhuốm sắc thời gian phong sương tuyết nguyệt, tấm thân cường tráng năm nào giờ gầy gò và cong xuống hết 1/3, ông lắc đầu khẽ nhủ “ tới lúc rồi ư ?!”.

Ông lần từng bước nặng nhọc sang gặp bà vợ thứ nhất, bà cũng già đi nhiều, vẻ xuân sắc kiêu sa năm nào giờ không còn nữa nhưng không hiểu sao ông vẫn yêu bà tha thiết, tình yêu của ông dành cho bà chỉ có thể tăng chứ không hề suy giảm. Ngồi xuống cạnh bà, mâm mê đôi bàn tay già nua nhăn nhúm của người vợ yêu, hồi lâu ông khe khẽ “mai này tôi về lòng đất lạnh, mình theo tôi bầu bạn cho trọn thủy tròn chung mình nhé!”

Đáp lại lời tha thiết ấy của ông lão trưởng giả gần đất xa trời là một cái nhìn đầy sự ngạc nhiên của bà vợ “ông điên đấy à, tôi thừa nhận là ông yêu tôi thật đấy, nhưng chuyện sống chết thì làm sao mà chung chạ được, cứ hồn ai nấy lo còn chưa xong nữa, ở đó mà rủ rê, ông đúng là già quá sinh ra lú lẫn mất rồi đấy! Tôi chỉ có thể hứa với ông, sau khi ông chết rồi tôi sẽ không gá nghĩa với ai nữa mà thôi, thế ông đã yên tâm rồi chứ ?!”

Nghe người vợ đầu ấp tay gối mà ông yêu thương rất mực trả lời như tạt nước vào mặt ông giữa mùa đông giá lạnh vậy! Ông thất vọng lặng lẽ lầm lủi bước ra khỏi phòng người vợ thứ nhất, tiến về phòng người vợ thứ hai với những hy vọng của cái tuổi xế bòng chiều tà.

Gằp bà hai, ông than thở “bà ấy bạc tình với tôi quá mình ạ, ai đời tôi thương bà ấy như thế mà giờ đây, cái phút cuối cùng này bà ấy lại nhẫn tâm bóp chết con tim tôi, tôi không ngờ mình ạ. Nhưng tôi biết, tôi còn có mình, tôi tin mình sẽ đi với tôi về lòng đất lạnh, sưởi ấm trái tim già nua của tôi ở thế giới bên kia đúng không, tôi biết mình sẽ làm thế !”. “Hahahaha……hahaha…..hahaha……” một tràng cười nghiêng ngả vang lên hàm chứa bên trong một khí lạnh ghê người, cái lạnh như nhan sắc trời ban cho người vợ thứ hai này của ông vậy. Ông chưa khỏi bàng hoàng, bà vung tay ông ra rồi nói “Ông đang nằm mơ đấy à ?! hay ông đang mắc chứng bệnh hoang tưởng trầm trọng thế?! Tuy ông quý trọng tôi, giữ gìn chăm sóc tôi, bảo vệ tôi, nhưng việc chết sống thì đường ai nấy đi. Tôi không thể theo ông được. Mà tôi nói cho ông biết nhé, chị cả trọn tình vẹn nghĩa với ông lắm rồi nên mới hứa với ông là sẽ không gá nghĩa với ai sau khi ông chết, chứ còn tôi ấy à, ông đừng có mà mơ mộng hảo huyền, cũng không ngại gì nói cho ông biết sau khi ông chết rồi tôi sẽ có chồng khác, tôi đố ai cản được tôi đấy. ha…haha…hahaha…….”

Lòng ông chết lặng sau tiếng cười lạnh như băng giá của bà vợ thứ hai mà ông đem lòng yêu mến không kém. Ông ngửa mặt lên trời như muốn gào lên hai tiếng “trời ơi”, nhưng ông không làm được, tất cả như nghẹn cứng lại ở cổ họng của ông. Ông lầm lủi ra đi trong lòng hoang mang và đau đớn cực độ.

Trong sự vô thức nào đấy, đôi chân già nua ấy như cố lê bước đưa ông đi nốt quãng đường cuối cùng, và rồi ông đã đứng trong phòng của người vợ thứ ba. Hy vọng ư?! Chắc không còn nữa đâu, tồn tại trong ông bây giờ chỉ là những cơn đau thắt từ sự vô vọng! Ông lặp lại câu hỏi với người vợ thứ 3 một cách sợ hãi, sợ hãi như thể ông là một tên tội phạm đang đứng trước vành móng ngựa chờ nghe tuyên án vậy. Bà vợ thứ ba của ông khẽ lắc đầu “ chị cả và chị hai sao mà tệ quá, nhất nhật phu thế bá dạ ân, một ngày nên tình trọn đời thành nghĩa, huống chi mình đối xử với hai chị quá tốt, vậy mà sao lại lạnh lùng đến thế. Chẳng phải tôi ác miệng, nhưng tôi thấy người xưa nói cũng đúng tối độc phụ nhân tâm mà, hai chị ấy đã như vậy thì tôi khuyên mình cũng chớ nên buồn bã làm gì cho phí sức tuổi già, thôi thì tôi tính vầy……”, nghe vợ nói tới đây đôi mắt già nua của ông ứa ra hai giọt nước mắt đặc quánh, trong lòng ông lại bừng lên ngọn lửa hy vọng của thời trai trẻ, ông nôn nóng hỏi “ mình tính sao nói thử tôi nghe”. Bà vợ thứ ba của ông tiếp “ ngày thường, tuy ông không thương tôi như hai chị, nhưng nói chung ông cũng thương tôi và tôi cũng thương ông, thôi thì hai chị đã không tròn đạo vợ thì để tôi tiếp bước vậy, tôi hứa với ông, nếu ông chết đi tôi sẽ đưa ông tới huyệt mộ, cư tang 3 năm cho trọn tình trọn nghĩa với ông. Còn như chuyện sống chết thì đâu phải là chuyện chung chạ được, hơn nữa tôi còn có cuộc sống riêng của tôi sau này nữa nên đâu thể chết theo ông được, ông cũng hiểu cho tôi mà đúng không ?!”

Vừa nghe dứt, đôi chân còm cỏi của ông như không chịu nổi sức ép của sự thật hiện ra từ câu nói, ông ngã quỵ xuống, lắc đầu ngao ngán!

Hết rồi, hết cả rồi ! Bốn người vơ, ba người ông thực tâm lo lắng giờ đối với ông còn bạc hơn cả vôi thì trông mong gì ở người mà ông hắt hủi! Ông định quay về nằm chờ quỷ vô thường trong cô độc của tuổi già nua. Ông lầm lũi đi vài bước lảo đảo rồi chợt dừng lại, ông xoay người đi về hướng phòng của người vợ mà bấy lâu nay ông bỏ mặc một cách tàn nhẫn tột cùng. Ông muốn tìm chút tia hy vọng chăng ?! Hay ông muốn nếm nốt cả cái men đắng cuối cùng trong đời ông ?! Không ai ngoài ông trưởng biết được câu trả lời !

Ông đang đứng trước căn phòng mà dường như nó quá xa lạ với ông, xa lạ đến mức không hề có ấn tượng dù rằng nó hiện hữu ngay trong căn nhà của ông. Ông ngập ngừng hồi lâu rồi mới đẩy cửa bước vào. Mọi thứ trong căn phòng đều đơn sơ vì thiếu sự quan tâm của ông, tất cả đều như mới đối với ông kể cả người vợ kết tóc ngồi đó! Mà không mới sao được kia chứ, ông lục lạo trong ký ức già nua của ông để xem ông đã đến đây bao nhiêu lần và bao nhiêu lần ông nhìn rõ gương mặt người vợ kia trong từng ấy năm ?! Ông không tài nào nhớ được, không phải vì quá nhiều mà là vì quá ít, nếu dùng ngón tay để tính, thì ông nghĩ có lẽ chưa ra khỏi một bàn tay !

Ông lặng lẽ ngồi xuống, cái lặng lẽ trong vô vọng như khi ông bước vào vậy. Ông nhìn vợ mình không nói lời nào. Hồi lâu sau ông nghẹn ngào “họ tệ bạc với tôi quá, tệ bạc như tôi đã tệ bạc với mình hằng bao nhiêu năm nay, mình ơi tôi có lỗi với mình!”. Ông đứng dậy, quay người bước ra như đang chạy trốn tội ác của chính mình, hơn bao giờ hết, lúc này đây ông thấy mình đầy tội lỗi, tội lỗi nhiều đến mức ông không dám nhìn bà. Bất chợt, ông cảm nhận được bàn tay bà đặt lên vao ông, lần đầu tiên ông cảm nhận được điều đó, lần đầu tiên ông được xúc chạm với bà, mà có ai cấm đâu chứ, chỉ là ông quên bà đấy chứ ! Lẳng lặng nhìn ông bằng đôi mắt bình thản không ưu tư, chẳng oán hận, bà nói “Tuy ông không để ý quan tâm đến tôi, nhưng lúc nào tôi cũng quan tâm để ý đến ông. Ông làm  việc gì tôi đều biết cả. Khi ông chết, tôi sẽ chết theo ông. Sức ông đi được đến đâu thì tôi sẽ theo ông đến đó, lời tự đáy lòng thề không thay đổi”

Ông ngã quỵ xuống dưới chân bà nức nở như một đứa trẻ…

Tiếng khóc nhỏ dần rồi dứt hẳn, một làn hơi mỏng manh sau cùng của kiếp nhân sinh vừa rời khỏi cơ thể của ông…

Người vợ quỳ xuống ôm ông vào lòng vuốt nhẹ mái tóc bạc nhuốm buội phong trần bấy lâu, rồi bà lặng lẽ trả đời một hơi thở sau cùng……

Gió thốc lên, cánh cửa canh phòng mở tung như đưa hai người về một nơi nào đó mà chỉ có ông trưởng giả và bà vợ thứ tư của ông mới biết được mà thôi……

Dã Hạc Cư 06.08.2009

sơn dã cuồng nhân N.Đ

 

 * Đôi dòng tâm sự :

Cảm giác của bạn bây giờ, ngay sau khi đọc câu chuyện này là gì nhỉ ? Ồ thật xúc động? Ghét sự bạc tình ? Cười chê ông trưởng giả ? và còn hàng tá thứ gì theo sau đó nữa mà chỉ có bạn mới biết thôi.

Nhưng bạn ơi, bạn có nghĩ bạn cũng có 4 bà vợ giống như thế không ?!

Ồ, có đấy bạn ạ ! Vì sao ư ?! Bạn chịu khó đọc lời giải đáp của Bậc Tôn Sư xứ Ấn cách nay 26 thế kỷ bạn nhé, sẽ thú vị lắm đấy. Cậu chuyện trên tôi phóng tác lại từ câu chuyện của Ngài kể đấy.

Đức Phật dạy: Bà thứ nhứt là tượng trưng cho thân ta. Thân ta thì ai cũng quý trọng, nuôi dưỡng tử tế, cho thân ăn ngon, mặc đẹp, ở sang. Lâu lâu dẫn đi du lịch chỗ này chỗ kia, yêu thương tấm thân rất mực, nhưng đến khi chết thì đành bỏ lại, thành tro, thành đất. Thân này rất là bạc bẽo với chúng ta, không một chút biết ơn. Có khi vì nói mà ta tạo tội để bị đọa đày, khổ đau.

Bà thứ hai là thí dụ cho tiền bạc, của cải. Tiền bạc, của cải thì ai cũng khổ tâm tìm cầu, tích lũy. Ăn cũng không dám ăn, mặc cũng không dám mặc, cho ai chừng một chục, một trăm đều tiếc. Nhưng khi nhắm mắt xuôi tay thì đành để lại cho người khác, đúng là “ông chết, tôi liền có chồng khác.” Bạc là vàng bạc, tiền bạc, mà bạc cũng có nghĩa là bạc bẽo. Có biết bao nhiêu người chỉ vì tiền bạc mà bị khổ đau.

Bà thứ ba là dụ cho quyến thuộc, bà con. Quyến thuộc, bà con thì cũng thương yêu, đùm bọc, giúp đỡ nhau. Khi người thân qua đời thì họ cũng bùi ngùi, xúc động, đau lòng. Nhưng sau khi tiễn đưa đến nơi an nghỉ cuối cùng, về nhà năm ba ngày sau thì họ quên mất.

Bà con cũng ví chim chung ngủ

Đến sáng ra rồi mỗi tự bay.

Chí thân như cha con, vợ chồng cũng không ai thế được ai khi vô thường xảy đến.

Bà thứ tư là dụ cho hành nghiệp thiện ác. Hành nghiệp là việc làm của mình nhưng không bao giờ để ý. Chúng không bao giờ mất mà theo mình như bóng theo hình. Hễ tạo nhân thì phải chịu quả báo. Làm việc có quả báo lành. Làm ác phải chịu quả dữ. Không sai một mảy may.

Thế mà chúng ta lại quên hành thiện nghiệp, hàng ngày, vô tình hay cố ý làm ác để rồi phải chịu quả khổ đắng cay.

Cha mẹ ơn sâu còn vĩnh biệt

Vợ chồng nghĩa nặng cũng chia ly.

Số trời dù hết, tình nào hết

Sông nước dù vơi, lệ chẳng rơi.

------------------------------------------

 Chú thích :

* Câu chuyện được phỏng tác theo câu chuyện “Ông trưởng giả có bốn vợ” trong phần 4 quyển “Truyện tích Phật Giáo”.

ĐƯỜNG XƯA MÂY TRẮNG

Rating:★★★★★
Category:Books
Genre: History
Author:Thích Nhất Hạnh
Tôi có cảm giác như Ngài đi chỉ để mà đi chứ chẳng phải đi để mà đến !

Thứ Tư, 5 tháng 8, 2009

TẢN MẠN “TRỜI ƠI”!!!

Sáng nay tranh thủ đi làm sớm để hít thở chút không khí trong lành hiếm hoi nơi phố thị. Đường còn vắng, người qua lại chưa nhiều, nắng chỉ mới nhẹ rót vàng ươm như đón chào ngày mới sau một đêm lặng lẽ chìm đắm trong giấc ngủ.

Chạy xe chầm chậm trên con phố thân quen, hít thở nhè nhẹ như thưởng cho mình chút phút giây sảng khoái. Nhưng quái lạ, thiên hạ chạ chẳng ai như mình, mắt đeo kính to tướng, mũi miệng bịt kín hai ba lớp khẩu trang, rồi nào là áo khoác, nào là găng tay…nói chung là ngoài phục trang cần có ra bây giờ còn hàng tá thứ phụ kiện, bất kể đàn ông hay đàn bà, là người già hay người trẻ đều như vậy. Họ đang cố giữ làn da…bánh mật của mình để khỏi biến thành Bao Hắc Tử chăng ? Không ! Có nắng đâu mà phải giữ!

Là vầy, thiên hạ đang khiếp vía bởi cái con virus cúm (A)H1N1 đó mà ! Thời buổi chi chẳng hiểu, các cụ ngày xưa ăn rau dại, uống nước sông, vậy mà con đàn cháu đống khỏe như giống giòng Phù Đổng ấy, còn bây giờ tuy nói là văn minh tiến bộ nhưng theo đó bệnh tật cũng tiến bộ theo. Hết ung thư này đến ung thư nọ, hết bò điên tới heo tai xanh lỡ mồm long móng, hết H5N1 lại chuyển sang trào lưu H1N1, để rồi xem, qua cái H1N1 này rồi thiên hạ kéo nhau vào Viện tim cả cho mà xem, mà không đau tim sao được chứ, suốt ngày cứ sống trong phập phồng lo sợ cơ mà!

Ngồi ngẫm nghĩ lại, cuộc đời cũng ngộ lắm chứ! Ngày xưa từ ăn sống chuyển sang ăn chín khi tìm ra lửa, người ta nhận định ăn chín nó sẽ tốt hơn và thậm chí còn khiến con người thông minh hơn ! Ăn chín chán chê, thiên hạ lại kéo nhau sang “tái” vì như thế nó bổ hơn! “Tái” đã đời rồi lại chuyển sang ăn sống theo kiểu Hàn, Nhật chi đấy, vì như thế nó “thời thượng” hơn. Thế rồi ngày nào đó chán chê thì lại nấu chín, nấu nhừ và cho rằng như thế nó “văn minh” hơn hay “nhân văn” hơn gì đó cho xem.

Dụng cụ ăn cũng thế, mới đầu bọc trong lá, sau có bát đĩa bằng đất, sau lại gia cố bằng kim loại, chán chê lại nâng cấp gốm lên thành sành sứ, đã đời rồi lại đồ nhựa và rồi bây giờ lại cấm đồ nhựa vì nó khó phân hủy, đấy, thế lại lại chuyển về sành, sứ. Nhưng pro tí thì phải là gốm vì nó mang nét “hoang dại” xa xưa mà!

Tóc tai cũng rứa, hết dài lại ngắn hết ngắn thì lửng, lửng đã để dài, dài rồi lại ngắn, ngắn chán chê lại “trọc”, ối trời ơi, may mà thiên hạ chưa kéo nhau lột da đầu ấy chứ!

Quần hết “pát” lại loe, hết loe thì ôm, hết ôm thì lại “pát”. Trong cái thời buổi xã hội văn minh, bình quyền nam nữ thì tóc tai quần áo đâu còn là ranh giới để phân nam nữ, bây giờ thiên hạ kéo nhau thời trang unisex mới thời thượng chứ lị!

Quanh đi quẩn lại, hết Chiến Quốc lại đến Xuân Thu thì mới thấy cái phức tạp trong cuộc sống này có phải do đấng quyền năng nào mang tới đâu, con người cả thôi! Người xưa có câu, trời gây oan nghiệt còn tránh được, người tự gây oan nghiệt thì không sống được ! Mà chết thật ấy chứ có phải chơi đâu. Này nhé : lúa cao sản nè, trâu bò heo gà cao sản nè, hoa màu cao sản nè thế thì ung thư cao sản cũng là tất yếu thôi ! Thế mà cái giống người mới là cái giống dị nhất, mọi việc đều do hắn gây ra, nhưng khi có kết quả thì hắn lại “TRỜI ƠI” !!! Nghĩ mà tội cho ông trời nhà ta, ông nớ có làm chi đâu nhỉ, thế mà suốt ngày, không biết bao nhiêu lần ông ấy phải nghe câu “TRỜI KHIẾN”!!! Lũ lụt cũng trời khiến, bệnh dịch cũng trời khiến, cháy rừng cũng trời khiến, ô nhiễm cũng trời khiến, đến nỗi thi rớt cũng trời khiến, hàng xóm ghét cũng bảo trời khiến nốt !!! May mà cái tầng ozon nó thủng một lỗ bự chảng ấy bọn chúng không vu vạ cho ông, nếu không chắc ngàn phần ngàn là ông nớ nhảy…..trời tự tử vì nổi hàm oan tức đến nghẹt họng ói máu rồi còn đâu!!!

Haizzz, nói đến con người thì ôi thôi còn tỉ tỉ chuyện để mà nói ! Nhưng nói rồi ai nghe, chưa biết chừng lại tăng cân vì thiên hạ…..đập sưng mình í chứ, thế thì thôi, đành ngửa mặt thốt to hai tiếng “TRỜI ƠI” vậy !!! ( xin lỗi cụ Trời nhé, không còn cách nào khác, tình thế bất đắc dĩ mà thôi !!!)

Dã Hạc Cư 06.08.2009

sơn dã cuồng nhân N.Đ

hoang's Site

http://vientran.multiply.com

Nhịp thở thiên nhiên




nguyen's Site

http://smacbaoto.multiply.com

Quỷ cốc

http://quycoctu.multiply.com

hoang's Site

http://vientran.multiply.com

Giao Su TRAN VAN KHE

http://trantruongca.multiply.com

MỘT CƠN MƯA ĐÔI DÒNG THƯ HOẠ

Hôm qua trở mình tỉnh giấc, nhìn ra ngoài trời mây đen vần vũ, trong nháy mắt mưa đã như trút nước xuống trần gian. Vạn vật mờ dần và như lùi ra sau màn nước trắng xóa nhạt nhòa. Ngước nhìn đồng hồ, vẫn chưa 6 giờ sáng, mưa đến sớm quá và bất ngờ quá !

Hai hôm nay không khỏe, nóng sốt suốt hai ngày, vậy mà khi nhìn cơn mưa sáng nay lại không cưỡng nổi sức quyến rủ của khung cảnh ấy. Đầu còn đau lắm, cổ còn rát lắm nhưng lại không muốn nằm nữa, chống tay ngồi dậy, bệnh tật không chế ngự nổi niềm đam mê của gã cuồng si.

Sau khi vệ sinh cá nhân xong, bèn đun nước pha trà, bày chiếc kỷ nhỏ bên hiên độc ẩm ngắm mưa, lòng chợt như chìm vào khoảng không gian bất tận ! Mưa !

Ngay phút giây tưởng chừng đan tan dần trong cơn mưa ấy, tiếng chuông báo tin nhắn điện thoại vang lên lôi kẻ cuồng khách trở về thực tại. Mở ra xem, hóa ra là chị Viên Trân – Hoàng Hoa nữ sĩ ! Là ngẫu nhiên ?! Là vô tình ?! Hay là do có cùng tâm sự ?! Không biết nữa, chỉ biết rằng qua làn sóng hiện đại ấy, chút tâm tư của nữ sĩ Hoàng Hoa được nối liền với lòng lữ khách say thơ. Chị cũng đã bị cơn mưa sáng nay làm say đắm :

Sài Gòn mưa trắng khung trời,

Lá bay, hoa rụng dòng đời cuốn trôi.

Mưa về mang bụi mù khơi,

Hương trà tan giữa đất trời bâng khuâng. (1)

Bài lục bát hay quá ! Từng câu từng chữ như thấm vào lòng kẻ lữ khách chốn bụi trần đang say ngắm cơn mưa. Sài Gòn cũng được, mà Bình Dương cũng xong, hai vùng đất giờ có chung cùng một điểm nối: mưa trắng trời giữa một sớm tinh sương.

Ai biết được tâm sự của mưa hay nỗi lòng nữ sĩ trước dòng đời liên tục trôi đi ?! Mưa “mang bụi mù khơi” về nơi chốn bụi, nhưng lòng phàm đã hòa tan cùng hương trà bất tận vào khoảng sắc không vắng lặng mênh mông. Diệu trí viên chân siêu phàm thoát tục, ngoảnh nhìn đời nở một nụ cười thoáng chút bâng khuâng.

Lòng nghe thanh thoát, thi ý lâng lâng, bệnh như mười phần hết bảy. Tuần trà thứ nhất vừa cạn, thay chung mở bầu rót chén hoàng hoa mà chị Viên Trân tặng hôm ghé quán trà. Lại vũ trung nhất nhân độc ẩm (2), nhâm nhi từng hớp nhỏ, rượu vào tới đâu ấm lòng tới đó, ba phần bệnh còn lại dường như phút chốc hóa mây. Gã cuồng si chợt như hóa thân tan vào hương nồng rượu cúc, ngoài hiên mưa vẫn kiêu sa say đắm lòng người. Bất chợt, nhớ hai câu thơ của Thi Ông đất Thần Kinh năm nọ, vỗ nhịp khẽ ngâm :

“Rượu có mùi thơm nên uống mãi

Thơ là thuốc bổ cứ ngâm chơi” (3)

Thú vị thật ! Khoảng không gian từ lâu như tan vỡ, tường thời gian giờ như muốn lung lay chỉ để đưa kẻ hậu bối về gần hơn với tiền nhân thuở nọ !

Mưa đẹp lắm mà sao cũng buồn lắm ! Chẳng biết vì mưa buồn hay lòng kẻ ngây dại đang buồn mà chợt dệt nên cung đàn ngôn ngữ :

Mưa giăng mờ lối buổi hừng đông

Thương nhớ chi ai trút cạn lòng ?!

Gieo giọt sầu giăng ngàn nỗi nhớ

Rót lời buồn lắng vạn niềm mong

Nỉ non khúc nhạc tình buông lửng

Xáo động hồn thơ ý chợt nồng

Cất bút những toan đề vận xướng

Lại e thiên hạ bảo mình ngông ! (4)

Thơ vừa gửi đi, khách tâm đồng hưởng ứng, cô sinh viên Như Ngọc nhắn tin chia sẻ cùng thầy “ Mưa luôn gợi nỗi buồn, một nỗi buồn bất chợt như cơn mưa bất chợt đến. Mưa sớm lại càng buồn hơn. Trời chưa kịp hừng đông đã vội làm cảnh vật chìm vào làn mưa mờ ảo, tuy buồn nhưng đậm chất thơ. Dường như tác giả đã có một kỷ niệm nào đó với mưa, nên mỗi lần mưa rơi là kỷ niệm lại ùa về với bao nỗi vấn vương trong lòng. Mưa và kỷ niệm đã làm cho tâm hồn thơ trỗi dậy trong lòng. Hai câu thơ cuối ‘sợ ngông’ nhưng lại rất ngông.”

Còn cô sinh viên Thảo Huy thì lại như nũng nịu “Bài ni buồn quá thầy ơi! Đọc bài thơ, em không thấy mưa nữa mà em thấy nước mắt của một con người đấy”

Vui quá, thơ là tiếng lòng mà đã là tiếng lòng thì đâu dễ mấy ai nghe được tiếng phản hồi từ khách tri âm. Xem ra đã quá hạnh phúc rồi!

Châm lại bình trà, tìm say hương đượm. Thơ nghêu ngao mà nghe sảng khoái tận tâm hồn. Phật Hoàng bảo “đối cảnh không tâm chớ hỏi thiền”, nhưng với cảnh này thì say lòng tục mất rồi, thôi thì nguyện đọa tam đồ khổ để tận hưởng nét đẹp nhân gian!

Mưa vẫn như khuynh bồn trút nước, triệu triệu sợi nước dài như triệu triệu dây tơ kéo căng trên hai đầu trời đất, phải chăng vì nỗi nhớ niềm thương mà tấu lên muôn ngàn cung điệu tình tang. Hạt rơi tàu chuối, hạt rót hiên văn, hạt vào ngõ vắng tí tách ngân vang như hòa chung một mỹ khúc, dạ phàm trần thoáng bỗng ngẩn ngơ, chân bến tục mà cứ ngỡ non Bồng nước Nhược :

Trời đất căng mưa nối nhịp đàn,

Hai đầu nỗi nhớ trỗi tình tang.

Cung khoan cứ ngỡ câu tình tứ,

Điệu nhặt chừng ra tiếng ngọc vàng.

Hạt rót tàu tiêu như phách vọng,

Hạt sa mặt nước tựa cầm vang.

Khách nơi sơn dã nghe mưa sớm,

Cứ ngỡ hồn như lạc địa đàng. (5)

Bài thơ lại một lần nữa qua làn sóng điện thoại, tới tay người nên tới. GS Trần Văn Khê đã gửi lại một bài thơ trả lời :

Khen con hồn nhạc thấm vào Tâm,

Nghe tiếng mưa rơi ngỡ tiếng Cầm !

Khoan nhặt giọt mưa thành tiết tấu

Bổng trầm làn gió gợi hòa âm.

“Phong xuy trịch liễu” (6) như “xuy địch” (7)

“Vũ đả ba tiêu” (8) tợ “đả cầm” (9)

Sáng sớm cơn mưa nơi sơn dã

Cho người lữ thứ phút thâm trầm. (10)

Trời ạ, được Thầy ban thơ hòa cùng cảm xúc thì còn gì sung sướng hơn nữa ! Không chút đắn đo, trong một phút xúc động chợt đến, đốt trầm cất bút họa nguyên vận bài thơ của Thầy để bày tỏ chút lòng thành của kẻ làm trò :

Vần thơ như rót mật vào Tâm,

Cứ ngỡ Tôn Sư trỗi ngọc cầm.

Tiếng tiếng vỗ lòng thành mỹ tiết,

Câu câu căng lụa hóa giai âm.

Nhặt như “Thập Diện” (11) reo cung võ (12),

Khoan  tựa “Đăng Đàn” (13) rộn phím cầm.

Chiều được thơ Thầy mừng quá đỗi,

Sửa lò phụng họa giữa hương trầm.(14)

Nhận được bài thơ họa, Thầy gửi ngay cho hai câu lục bát : “Khen con họa vận rất hay ! Đọc xong cảm thấy lòng Thầy nở hoa”. Quả là “đại sướng” (15)

Còn cô sinh viên Như Ngọc thì lại cảm nhận được “Giữa chốn sơn dã, từng hạt mưa rơi rớt như cung đàn mà thiên nhiên ban tặng. Những hạt mưa rơi trên những chỗ khác nhau như ‘tàu tiêu, mặt nước’ tạo nên khúc nhạc của thiên nhiên. Mưa như sự giao hòa của trời đất, nối liền khoảng cách của ‘hai đầu nỗi nhớ’. Từng hạt mưa rơi tưởng như rời rạc, nhưng lại tạo ra mọt bản nhạc diệu kỳ. Điệu nhạc của thiên nhiên hay quá đỗi, làm cho khách sơn dã say mê, ngỡ hồn mình như lạc vào hồn địa đàng”.

Cô sinh viên Thảo Huy thì lại tâm sự “ mỗi lần đọc một bài thơ về mưa của thầy, em lại thích mưa hơn dù rằng mưa rất buồn. Như bài thơ này, em nghĩ ai mà không thích khi mưa được ví như những dây đàn mà trời đất căng ra để ‘hòa nhịp tình tang’, trời đất như một đôi tình nhân tấu lên tiếng đàn để nói lên tâm tư của mình”

Một cơn mưa sớm, một cảm xúc bất chợt để rồi nhận được bao lời đồng cảm, nhân sinh mỹ vị còn chi khác nữa đây ?!

Trà đã nguội, mưa đã ngớt mà sao lòng như còn chìm ngập trong tình thi hữu lâng lâng. Kiếp nhân sinh, cuộc thế sự vô thường, kẻ lữ thứ chợt dường như vừa tìm ra một con đường chân hạnh phúc……

Bình Dương 26.05.2009

        sơn dã cuồng nhân Lê Ngọc Đình

-------------------------------------

Chú thích:

(1)     Thơ của chị Viên Trân, trà chủ của Hiện Quán trà thất.

(2)     Uống một mình trong mưa

(3)     Thơ của Cụ Ưng Bình Thúc Giạ Thị, thân phụ của nữ sĩ Hỷ Khương.

(4)     Bài thơ “Ngắm Mưa Sớm Cảm Tác” của Ngọc Đình.

(5)     Bài thơ “Sớm Sơn Dã Nghe Mưa” của Ngọc Đình.

(6)     Tên một bài hát của Việt Nam.

(7)     Thổi sáo

(8)     Tên một bài hát của Trung Quốc

(9)     Đánh đàn.

(10)Thơ của GS.TS Trần Văn Khê.

(11)”Thập diện mai phục” tên một khúc nhạc của Trung Quốc.

(12)Đàn tỳ bà, ngày xưa đàn tỳ bà được coi là đàn võ, là vật tùy thân giải muộn của các tướng lĩnh, binh sĩ.

(13) “Đăng đàn cung” tên một bài nhạc Việt Nam.

(14) Thơ họa của Ngọc Đình

(15) Từ của nhà thơ Tôn Nữ Hỷ Khương.