Thứ Năm, 6 tháng 8, 2009

CÂU CHUYỆN VƯỢT THỜI GIAN*

 

Chuyện kể rằng ngày xửa ngày xưa xưa lắm lắm luôn rồi, ở đất nước nào đó có một ông trưởng giả (không phải hoàng tử đâu nhé). Ông này có 4 bà vợ thiệt xinh đẹp. Người xưa hay nói “trồng trầu thì phải khai mương, làm trai hai vợ phải thương cho đồng” nhưng mà trời ơi, đồng gì chi nổi, thể nào cũng lệch bên này hoặc bên kia thôi (chú ý : cái này suy luận chứ hỏng phải kinh nghiệm bản thân đâu nhé) ! Hai vợ còn thế, bốn vợ khỏi nói thì ai cũng hiểu (không hiểu về hỏi lại bố mẹ hén).

Và tình hình cụ thể là vầy: Bà vợ thứ nhất là người được ông cưng chiều nhiều nhất. Ông chăm lo từ ly từ tí chẳng sai sót tí nào. Này nhé, bà hơi ho là đưa đi bác sĩ ngay, trái gió trở trời là không cho ra phố, mặc thì lụa là gấm vóc, ăn thì toàn thứ ngon thứ bổ, các trò giải trí, bà thích thứ gì ông cho thứ nấy….nói chung những gì ông cho là tốt nhất ông đều mang lại cả cho bà. Trước mọi người thì khỏi phải nói, ông luôn tự hào về bà, tự hào tới mức ai vô phép với bà dù vô tình hay hữu ý, dù trực tiếp hay bóng gió ông đề tìm cách xử đẹp ngay. Thậm chí, nếu có ai đó có ý kiến trái ngược với ý kiến của bà ông cũng cảm thấy tức tối lồng lộn lên như là vừa bị một con bò một nào đó tung một cước trời giáng vào mông vậy. Đi đâu cũng tay trong tay sánh bước. Ăn uống cũng có nhau, chi ngọt xẻ bùi cùng nhau. Các cuộc vui chơi, ông đều không thể thiếu bà . Ông không rời bà nửa bước. Và hiển nhiên, bà vợ này rất ư sung sướng trong vòng tay chăm sóc không tiền khoáng hậu của ông chồng trưởng giả của mình rồi!

Bà thứ nhất chiếm vị thế độc tôn như thế, thế còn bà thứ hai thì sao nhỉ?! Bà thứ hai tuy khong được như bà thứ nhất, nhưng cũng được ông trưởng giả yêu chiều không kém đâu đấy. Ông có bà chẳng dễ dàng chút nào, hết chạy đông rồi lại sang tây, hết trời nam lại sang đất bắc, hết năn nỉ ỉ ôi đến tìm mọi thủ đoạn, tìm trăm phương ngàn cách để ông cưới được bà. Cưới về rồi, ông gìn giữ nâng niu như báu vật, luôn tìm mọi cách để mọi người biết ông có được bà, nhưng lạ là ông không muốn cho ai thấy bà, càng không muốn ai tiếp xúc với bà ngaọi trừ ông. Mà bà này cũng ghê gớm lắm, bà chi phối ông cũng không kém. Có bà thì ông vui, vắng bà thì ông buồn, thậm chí mất ăn mất ngủ thao thức đến bạc trắng cả mái đầu. Muốn làm việc gì, có bà thì ông thành công, không có bà thì ông thất bại. Để đáp lại tình ông, bà cho ông một ân huệ là ông yêu bà càng nhiều thì bà càng mang thành công to lớn đến với ông.

Thế còn bà thứ ba thì sao nào ?! Từ từ, đừng vợi, để kể cho nghe ! Bà thứ ba tuy không được sự yêu chiều của ông như bà cả và bà hai vì bà này tính tình thất thường, lúc thì niềm nở với ông  khi lại xem ông rất rẻ rúng. Lúc thì ra sức giúp đỡ ông, nhưng cũng không ít khi bà tỏ ra dửng dưng lạnh lùng khi ông tìm đến. Dù vậy nhưng vì nghĩ cái tình của bà có lúc cùng ông chia ngọt xẻ bùi, đồng lao cộng khổ. Giúp đỡ nhau lúc ngặt nghèo, chia vui lúc thành đạt. Nhưng tuyệt nhiên, tình cảm ông dành cho bà không thể nào so sánh được với tình cảm ông dành cho bà thứ hai và càng không thể so sánh vị trí với bà thứ nhất.

Cuối cùng là bà thứ tư! Ôi nói đến bà vợ thứ tư của ông thì ôi chao, thê thảm phải biết! Chẳng biết có phải cha mẹ ép duyên bắt ông cưới bà này hay không nữa mà trông ông chả có tí chi gọi là dòm ngó (không phải quan tâm nhé, chỉ dòm ngó thôi đó) đến bà. Ông không bao giờ quan tâm đến sự có mặt của bà, chẳng chăm sóc, chẳng hỏi han, mặc tình bà tự sinh tự diệt. Ông dửng dưng đến mức ông không cảm nhận được sự hiện diện của bà dù rằng bà đang hiện hữu từng giờ từng phút bên ông, dù rằng đó là lúc ông ngủ! Với ông, bà tồn tại như một cái bóng, à không không, như một vật thể vô hình thì đúng hơn. Thế nhưng oái oăm thay, bà này lại thương ông hết mực (haizzz cái duyên là cái nợ là vậy !), mặc ai nói “có chồng hờ hửng cũng như không”, bà vẫn theo sát bên cạnh ông, dõi mắt từng nhất cử nhất động của ông. Ông làm chi bà cũng biết cũng nhớ, dù rằng ông chưa hề để mắt tới bà!

Cái kiếp chồng chung là thế, mười hai bến nước trong nhờ đục chịu mà, nếu chẳng phải thế thì Bà Chúa thơ Nôm họ Hồ kia đã không thốt lên tiếng uất nghẹn “chém cha cái kiếp lấy chồng chung”, đúng không ạ ?!

Cuộc sống của gia đình ông trưởng giả cứ như thế mà tiếp diễn nhưng một quy luật bất di bất dịch dù rằng trong nó sự mâu thuẫn ngày càng lớn mạnh. Nhưng người ta thường nói, kiếp sống xong rồi còn lo kiếp chết. Qủy vô thường bắt người không hề coi mặt, già cũng bắt, nhỏ cũng gom, đàn ông không bỏ, đàn bà cũng chẳng tha và tất nhiên cụ trưởng giả nhà ta cũng không thoát khỏi quy luật ấy.

Sau mấy mươi năm duy trì cái luật mà ông đặt ra trong quan hệ tình cảm của ông với 4 bà vợ, một hôm đứng trước gương kê tôi mắt tèm nhem vào sát tấm gương kê trên vách, ông giật mình phát hiện da đã nhăn nhúm, mái tóc xanh rụng dần quá nửa, nửa còn lại nhuốm sắc thời gian phong sương tuyết nguyệt, tấm thân cường tráng năm nào giờ gầy gò và cong xuống hết 1/3, ông lắc đầu khẽ nhủ “ tới lúc rồi ư ?!”.

Ông lần từng bước nặng nhọc sang gặp bà vợ thứ nhất, bà cũng già đi nhiều, vẻ xuân sắc kiêu sa năm nào giờ không còn nữa nhưng không hiểu sao ông vẫn yêu bà tha thiết, tình yêu của ông dành cho bà chỉ có thể tăng chứ không hề suy giảm. Ngồi xuống cạnh bà, mâm mê đôi bàn tay già nua nhăn nhúm của người vợ yêu, hồi lâu ông khe khẽ “mai này tôi về lòng đất lạnh, mình theo tôi bầu bạn cho trọn thủy tròn chung mình nhé!”

Đáp lại lời tha thiết ấy của ông lão trưởng giả gần đất xa trời là một cái nhìn đầy sự ngạc nhiên của bà vợ “ông điên đấy à, tôi thừa nhận là ông yêu tôi thật đấy, nhưng chuyện sống chết thì làm sao mà chung chạ được, cứ hồn ai nấy lo còn chưa xong nữa, ở đó mà rủ rê, ông đúng là già quá sinh ra lú lẫn mất rồi đấy! Tôi chỉ có thể hứa với ông, sau khi ông chết rồi tôi sẽ không gá nghĩa với ai nữa mà thôi, thế ông đã yên tâm rồi chứ ?!”

Nghe người vợ đầu ấp tay gối mà ông yêu thương rất mực trả lời như tạt nước vào mặt ông giữa mùa đông giá lạnh vậy! Ông thất vọng lặng lẽ lầm lủi bước ra khỏi phòng người vợ thứ nhất, tiến về phòng người vợ thứ hai với những hy vọng của cái tuổi xế bòng chiều tà.

Gằp bà hai, ông than thở “bà ấy bạc tình với tôi quá mình ạ, ai đời tôi thương bà ấy như thế mà giờ đây, cái phút cuối cùng này bà ấy lại nhẫn tâm bóp chết con tim tôi, tôi không ngờ mình ạ. Nhưng tôi biết, tôi còn có mình, tôi tin mình sẽ đi với tôi về lòng đất lạnh, sưởi ấm trái tim già nua của tôi ở thế giới bên kia đúng không, tôi biết mình sẽ làm thế !”. “Hahahaha……hahaha…..hahaha……” một tràng cười nghiêng ngả vang lên hàm chứa bên trong một khí lạnh ghê người, cái lạnh như nhan sắc trời ban cho người vợ thứ hai này của ông vậy. Ông chưa khỏi bàng hoàng, bà vung tay ông ra rồi nói “Ông đang nằm mơ đấy à ?! hay ông đang mắc chứng bệnh hoang tưởng trầm trọng thế?! Tuy ông quý trọng tôi, giữ gìn chăm sóc tôi, bảo vệ tôi, nhưng việc chết sống thì đường ai nấy đi. Tôi không thể theo ông được. Mà tôi nói cho ông biết nhé, chị cả trọn tình vẹn nghĩa với ông lắm rồi nên mới hứa với ông là sẽ không gá nghĩa với ai sau khi ông chết, chứ còn tôi ấy à, ông đừng có mà mơ mộng hảo huyền, cũng không ngại gì nói cho ông biết sau khi ông chết rồi tôi sẽ có chồng khác, tôi đố ai cản được tôi đấy. ha…haha…hahaha…….”

Lòng ông chết lặng sau tiếng cười lạnh như băng giá của bà vợ thứ hai mà ông đem lòng yêu mến không kém. Ông ngửa mặt lên trời như muốn gào lên hai tiếng “trời ơi”, nhưng ông không làm được, tất cả như nghẹn cứng lại ở cổ họng của ông. Ông lầm lủi ra đi trong lòng hoang mang và đau đớn cực độ.

Trong sự vô thức nào đấy, đôi chân già nua ấy như cố lê bước đưa ông đi nốt quãng đường cuối cùng, và rồi ông đã đứng trong phòng của người vợ thứ ba. Hy vọng ư?! Chắc không còn nữa đâu, tồn tại trong ông bây giờ chỉ là những cơn đau thắt từ sự vô vọng! Ông lặp lại câu hỏi với người vợ thứ 3 một cách sợ hãi, sợ hãi như thể ông là một tên tội phạm đang đứng trước vành móng ngựa chờ nghe tuyên án vậy. Bà vợ thứ ba của ông khẽ lắc đầu “ chị cả và chị hai sao mà tệ quá, nhất nhật phu thế bá dạ ân, một ngày nên tình trọn đời thành nghĩa, huống chi mình đối xử với hai chị quá tốt, vậy mà sao lại lạnh lùng đến thế. Chẳng phải tôi ác miệng, nhưng tôi thấy người xưa nói cũng đúng tối độc phụ nhân tâm mà, hai chị ấy đã như vậy thì tôi khuyên mình cũng chớ nên buồn bã làm gì cho phí sức tuổi già, thôi thì tôi tính vầy……”, nghe vợ nói tới đây đôi mắt già nua của ông ứa ra hai giọt nước mắt đặc quánh, trong lòng ông lại bừng lên ngọn lửa hy vọng của thời trai trẻ, ông nôn nóng hỏi “ mình tính sao nói thử tôi nghe”. Bà vợ thứ ba của ông tiếp “ ngày thường, tuy ông không thương tôi như hai chị, nhưng nói chung ông cũng thương tôi và tôi cũng thương ông, thôi thì hai chị đã không tròn đạo vợ thì để tôi tiếp bước vậy, tôi hứa với ông, nếu ông chết đi tôi sẽ đưa ông tới huyệt mộ, cư tang 3 năm cho trọn tình trọn nghĩa với ông. Còn như chuyện sống chết thì đâu phải là chuyện chung chạ được, hơn nữa tôi còn có cuộc sống riêng của tôi sau này nữa nên đâu thể chết theo ông được, ông cũng hiểu cho tôi mà đúng không ?!”

Vừa nghe dứt, đôi chân còm cỏi của ông như không chịu nổi sức ép của sự thật hiện ra từ câu nói, ông ngã quỵ xuống, lắc đầu ngao ngán!

Hết rồi, hết cả rồi ! Bốn người vơ, ba người ông thực tâm lo lắng giờ đối với ông còn bạc hơn cả vôi thì trông mong gì ở người mà ông hắt hủi! Ông định quay về nằm chờ quỷ vô thường trong cô độc của tuổi già nua. Ông lầm lũi đi vài bước lảo đảo rồi chợt dừng lại, ông xoay người đi về hướng phòng của người vợ mà bấy lâu nay ông bỏ mặc một cách tàn nhẫn tột cùng. Ông muốn tìm chút tia hy vọng chăng ?! Hay ông muốn nếm nốt cả cái men đắng cuối cùng trong đời ông ?! Không ai ngoài ông trưởng biết được câu trả lời !

Ông đang đứng trước căn phòng mà dường như nó quá xa lạ với ông, xa lạ đến mức không hề có ấn tượng dù rằng nó hiện hữu ngay trong căn nhà của ông. Ông ngập ngừng hồi lâu rồi mới đẩy cửa bước vào. Mọi thứ trong căn phòng đều đơn sơ vì thiếu sự quan tâm của ông, tất cả đều như mới đối với ông kể cả người vợ kết tóc ngồi đó! Mà không mới sao được kia chứ, ông lục lạo trong ký ức già nua của ông để xem ông đã đến đây bao nhiêu lần và bao nhiêu lần ông nhìn rõ gương mặt người vợ kia trong từng ấy năm ?! Ông không tài nào nhớ được, không phải vì quá nhiều mà là vì quá ít, nếu dùng ngón tay để tính, thì ông nghĩ có lẽ chưa ra khỏi một bàn tay !

Ông lặng lẽ ngồi xuống, cái lặng lẽ trong vô vọng như khi ông bước vào vậy. Ông nhìn vợ mình không nói lời nào. Hồi lâu sau ông nghẹn ngào “họ tệ bạc với tôi quá, tệ bạc như tôi đã tệ bạc với mình hằng bao nhiêu năm nay, mình ơi tôi có lỗi với mình!”. Ông đứng dậy, quay người bước ra như đang chạy trốn tội ác của chính mình, hơn bao giờ hết, lúc này đây ông thấy mình đầy tội lỗi, tội lỗi nhiều đến mức ông không dám nhìn bà. Bất chợt, ông cảm nhận được bàn tay bà đặt lên vao ông, lần đầu tiên ông cảm nhận được điều đó, lần đầu tiên ông được xúc chạm với bà, mà có ai cấm đâu chứ, chỉ là ông quên bà đấy chứ ! Lẳng lặng nhìn ông bằng đôi mắt bình thản không ưu tư, chẳng oán hận, bà nói “Tuy ông không để ý quan tâm đến tôi, nhưng lúc nào tôi cũng quan tâm để ý đến ông. Ông làm  việc gì tôi đều biết cả. Khi ông chết, tôi sẽ chết theo ông. Sức ông đi được đến đâu thì tôi sẽ theo ông đến đó, lời tự đáy lòng thề không thay đổi”

Ông ngã quỵ xuống dưới chân bà nức nở như một đứa trẻ…

Tiếng khóc nhỏ dần rồi dứt hẳn, một làn hơi mỏng manh sau cùng của kiếp nhân sinh vừa rời khỏi cơ thể của ông…

Người vợ quỳ xuống ôm ông vào lòng vuốt nhẹ mái tóc bạc nhuốm buội phong trần bấy lâu, rồi bà lặng lẽ trả đời một hơi thở sau cùng……

Gió thốc lên, cánh cửa canh phòng mở tung như đưa hai người về một nơi nào đó mà chỉ có ông trưởng giả và bà vợ thứ tư của ông mới biết được mà thôi……

Dã Hạc Cư 06.08.2009

sơn dã cuồng nhân N.Đ

 

 * Đôi dòng tâm sự :

Cảm giác của bạn bây giờ, ngay sau khi đọc câu chuyện này là gì nhỉ ? Ồ thật xúc động? Ghét sự bạc tình ? Cười chê ông trưởng giả ? và còn hàng tá thứ gì theo sau đó nữa mà chỉ có bạn mới biết thôi.

Nhưng bạn ơi, bạn có nghĩ bạn cũng có 4 bà vợ giống như thế không ?!

Ồ, có đấy bạn ạ ! Vì sao ư ?! Bạn chịu khó đọc lời giải đáp của Bậc Tôn Sư xứ Ấn cách nay 26 thế kỷ bạn nhé, sẽ thú vị lắm đấy. Cậu chuyện trên tôi phóng tác lại từ câu chuyện của Ngài kể đấy.

Đức Phật dạy: Bà thứ nhứt là tượng trưng cho thân ta. Thân ta thì ai cũng quý trọng, nuôi dưỡng tử tế, cho thân ăn ngon, mặc đẹp, ở sang. Lâu lâu dẫn đi du lịch chỗ này chỗ kia, yêu thương tấm thân rất mực, nhưng đến khi chết thì đành bỏ lại, thành tro, thành đất. Thân này rất là bạc bẽo với chúng ta, không một chút biết ơn. Có khi vì nói mà ta tạo tội để bị đọa đày, khổ đau.

Bà thứ hai là thí dụ cho tiền bạc, của cải. Tiền bạc, của cải thì ai cũng khổ tâm tìm cầu, tích lũy. Ăn cũng không dám ăn, mặc cũng không dám mặc, cho ai chừng một chục, một trăm đều tiếc. Nhưng khi nhắm mắt xuôi tay thì đành để lại cho người khác, đúng là “ông chết, tôi liền có chồng khác.” Bạc là vàng bạc, tiền bạc, mà bạc cũng có nghĩa là bạc bẽo. Có biết bao nhiêu người chỉ vì tiền bạc mà bị khổ đau.

Bà thứ ba là dụ cho quyến thuộc, bà con. Quyến thuộc, bà con thì cũng thương yêu, đùm bọc, giúp đỡ nhau. Khi người thân qua đời thì họ cũng bùi ngùi, xúc động, đau lòng. Nhưng sau khi tiễn đưa đến nơi an nghỉ cuối cùng, về nhà năm ba ngày sau thì họ quên mất.

Bà con cũng ví chim chung ngủ

Đến sáng ra rồi mỗi tự bay.

Chí thân như cha con, vợ chồng cũng không ai thế được ai khi vô thường xảy đến.

Bà thứ tư là dụ cho hành nghiệp thiện ác. Hành nghiệp là việc làm của mình nhưng không bao giờ để ý. Chúng không bao giờ mất mà theo mình như bóng theo hình. Hễ tạo nhân thì phải chịu quả báo. Làm việc có quả báo lành. Làm ác phải chịu quả dữ. Không sai một mảy may.

Thế mà chúng ta lại quên hành thiện nghiệp, hàng ngày, vô tình hay cố ý làm ác để rồi phải chịu quả khổ đắng cay.

Cha mẹ ơn sâu còn vĩnh biệt

Vợ chồng nghĩa nặng cũng chia ly.

Số trời dù hết, tình nào hết

Sông nước dù vơi, lệ chẳng rơi.

------------------------------------------

 Chú thích :

* Câu chuyện được phỏng tác theo câu chuyện “Ông trưởng giả có bốn vợ” trong phần 4 quyển “Truyện tích Phật Giáo”.

3 nhận xét:

  1. Tội khởi tại tâm đem tâm sám
    Tâm được tịnh rồi tội liền tiêu
    Tội tiêu tâm tịnh thảy đều không
    Thế mới thực là chân sám hối.

    Trả lờiXóa
  2. Tạo ác nghiệp rồi giờ phải trả...trả suốt đời qua kiếp sau luôn bạn ạ...nhưng vui vì bản thân còn nhận thức được hành động mình làm. Entry này bổ ích cho Only đây.
    Một lời cám ơn tới bạn Đình !

    Trả lờiXóa
  3. ec, cái nì lâu lúm rùi giờ mới còm hihihi

    Trả lờiXóa