Thứ Ba, 13 tháng 12, 2011

cổ lai thức tự...

nửa mùa…

 

 

Cuối năm họp hành, họp để hành nhau, hành nhau vì cái rởm trong giới trí thức nửa mùa, thậm chí là bán nửa mùa! Sao mà ngao ngán, ngao ngán cho cái từ trí thức mà người ta cố tranh lấy để gắn trước ngực mình, dù rằng trên đầu họ mây đen một màu xám xịt!

Tôi lờ mờ cảm nhận được là họ thích họp! Họp để tranh nhau nói, tranh nhau xưng những chức danh hết sức hiển hách mà bằng cách nào đó họ sở hữu được dù rằng nó luôn tỉ lệ nghịch với cái kiến thức đang tồn đọng nhưng thoắt ẩn thoắt hiện tại một góc tối nào đó giữa đầu họ! Và rồi thì họ hành hạ tôi bằng những điều đó, tôi mệt lã người khi phải ngồi hàng giờ để nghe những lời nhảm nhí ấy! Tôi tự hỏi, phải chăng khi người ta mông muội người ta rất thích họp, dù rằng ai cũng biết những buổi họp ấy cũng chẳng làm cho họ sáng ra là mấy!

Biết họp là hành nhưng tôi vẫn phải họp, cơm áo gạo tiền không đủ mạnh để khiến lưng tôi phải cong, càng không thể khiến chân tôi phải quỳ nhưng nó cũng không phải yếu tới mức để tôi có thể dễ dàng phủi áo ra đi! Tôi thèm được tìm về một góc vườn nhỏ cuốc đất trồng rau mà nuôi dưỡng cái nét thiên chân muôn thuở của mình, nhưng giữa cái thời củi quế gạo châu này đâu dễ tìm được cho mình một góc vườn nho nhỏ, nhất là với một anh giáo nghèo như tôi thì lại càng không mong đợi dù chỉ là một giấc mơ! Tôi hận mình không có được cái khí phách như Ngũ Liễu tiên sinh đất Tầm Dương để cao giọng xướng câu “quy khứ lai hề”…và thế là tôi vẫn phải trân mình chịu hành trong những cuộc họp! Song, tôi không chấp nhận chịu thua hoàn toàn trước những điều chướng tai ấy, tôi thường ngồi lắng nghe và viết, viết cho hậu thế như một cảnh ngôn gửi từ thời đương đại, những bài thơ thấp thoáng dấu ấn tiền như như cụ Yên Đỗ, Hối Trai... của tôi đã ra đời như thế ấy……

 

 

 

Ta chẳng phải ta Tây chẳng Tây,

Nảy nòi chi cái thói như bây.

Mặt tô diêm dúa khoe phường hát,

Thân khéo đua đòi nguỵ dáng oai.

Biết chăng:

Nước lã đâu nào ai dễ khuấy!

Đá phàm há tính chuyện siêng mài?

Trăm năm trơ mặt ngoài thiên địa,

Sống bẩn quen mùi khó đổi thay!

 

 

 

Dã Hạc Cư 12.12.2011

sơn dã cuồng nhân

 

 

 

 

 

ảnh sưu tầm từ internet

 


Thứ Năm, 8 tháng 12, 2011

khúc hát người điên...

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 


cuồng tử ca

 

chiều ru bảng lảng hoàng hôn,

khách cuồng có kẻ vỗ bồn mà ca…

 

ca rằng:

 

Rót hư không

chút

phiêu bồng,

để nghe cõi mộng

dường

không nặng nhiều…

đưa tay

 hứng vạt nắng chiều,

điểm tô thêm chút mỹ miều

hương say…

cúi mình

 vớt bóng trăng lay,

lặng nghe trăng khẽ mỉa mai

khách cuồng…

thõng tay học lấy chữ buông,

cho trăm năm

vẫn còn luôn với mình…

cười rong chơi cõi u minh,

nương chuông thiền định

ươm tình nở hoa…

 

 

Ô hô

gàn giữa Sa Bà,

hoán thân mai hậu

 thì ta vẫn là…

 

 

Đầu non

một cội thông già,

gió sương qua lại

chưa nhoà

 gió sương…

thương

sao

thương lại

là thương…

 

 

 

Dã Hạc Cư 08.12.2011

sơn dã cuồng nhân

 

 

 

 

 

 

* ảnh sưu tầm từ internet

 


Thứ Tư, 7 tháng 12, 2011

viết cho một người đặc biệt trong một ngày đặc biệt ...

 

 

 

 

 




quan thư 雎鳩

 

 

關關雎鳩,在河之洲。
窈窕淑女,君子好逑。
參差荇菜,左右流之。
窈窕淑女,寤寐求之。
求之不得,寤寐思服。
悠哉悠哉。輾轉反側。
參差荇菜,左右採之。
窈窕淑女,琴瑟友之。
參差荇菜,左右毛之。
窈窕淑女。鐘鼓樂之。


Dịch âm:


Quan quan thư cưu, Tại hà chi châu.
Yểu điệu thục nữ, Quân tử hảo cầu.
Sâm si hạnh thái, Tả hữu lưu chi.
Yểu điệu thục nữ, Ngụ mị cầu chi.
Cầu chi bất đắc, Ngụ mị tư phục.
du tai! du tai!

Triển chuyển phản trắc.
Sâm si hạnh thái, Tả hữu thái chi.
Yểu điệu thục nữ, Cầm sắt hữu chi.
Sâm si hạnh thái, Tả hữu mạo chi.
Yểu điệu thục nữ, Chung cổ lạc chi.


Dịch nghĩa:


Chim thư cưu kêu quan quan.  Trên cồn sông Hoàng Hà. 

Người con gái dịu hiền.  Đẹp đôi cùng quân tử.

Rau hạnh cọng ngắn dài.  Vớt theo dòng tả hữu. 

Người con gái dịu hiền.  Thức ngủ ta cầu mong. 

 Cầu mong không được gặp.  Ngày đêm ta nhớ trông. 

Dằng dặc, nhờ dằng dặc.  Trăn trở ngủ không yên.

Rau hạnh cọng ngắn dài.  Hái theo dòng tả hữu. 

Người con gái dịu hiền. 

Ta kết thân với nàng trong tiếng đàn cầm, đàn sắt.

Rau hạnh cọng ngắn dài.  Vớt theo dòng tả hữu. 

Người con gái dịu hiền. 

Ta đánh tiếng chuông tiếng trống để làm vui lòng nàng.


 

Dịch thơ:

 


Nghe ngoài bãi sông Hoàng vang dậy,

Tiếng Thư Cưu đâu đấy từng đôi,

Dịu dàng cô gái bên đồi,

Cùng người quân tử đẹp đôi vô cùng!

 

Rau hạnh mọc không đồng một lứa,

Nương theo dòng lần lựa đôi bên.

Ngoan hiền hình bóng khó quên,

Ngày đêm mong đợi se nên Tấn Tần.

 

Lòng chưa thỏa được gần thục nữ,

Nên tình vương lấy chữ tương tư,

Nhớ sao nhớ đến mệt nhừ,

Nhớ năm canh trọn còn như trở mình…

 

Rau hạnh mọc dáng hình cao thấp,

Đôi tay ngà thoăn thoắt đưa nhanh,

Hỡi người con gái thanh thanh,

Sắt cầm hòa điệu với anh bạn cùng…

 

Rau hạnh mọc xum xuê cành lá,

Bên hữu rồi bên tả đều tay,

Trong ngần cô gái kia ơi,

Trống chiêng khua đổi nụ cười xinh xinh…

 

 

 

Dã Hạc Cư mùa Giáng Sinh năm Tân Mão 2011

ngu huynh sơn dã cuồng nhân thân bút chuyển ngữ

đề tặng một người đặc biệt trong một ngày đặc biệt

 


Thứ Ba, 29 tháng 11, 2011

mạn thuật...

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

ngẫu hứng mạn thuật…

 

 

 

Ngại miếng đỉnh chung lắm bụi trần,

Lui về bỡn nguyệt lộng phù vân.

Hứng trăng phẩm rượu tình thêu gấm,

Đón gió chờ mai ý mở vần.

Nương hạc vào mây hoà tiếng hạc,

Đem lan xông áo quyện mùi lan.

Trăm năm quán trọ màu sương gió,

Ai biết phù sinh đặng mấy lần!

 

 

 

Dã Hạc Cư mùa đông năm Tân Mão 2011

tục khách sơn dã cuồng nhân mạn thuật


Chủ Nhật, 20 tháng 11, 2011

trăn trở với nghề...

riêng một lối đi…

 

viết cho mình để mừng một tuổi nghề

xin chia sẻ cùng những ai đang trăn trở với nghiệp trồng người

và xin tặng cho các môn sinh đã, đang và sẽ chọn nghiệp làm Thầy

 

 

 

 

Mỗi năm, cứ đến ngày lễ của những người Thầy tôi lại tự mừng mình một tuổi nghề bằng một bài thơ, đó như một lời minh chí giúp bản thân mình vững dạ vững lòng mà lèo lái con đò mang sứ mạng hướng về nơi nguồn sáng. Nhưng năm nay sẽ không như sáu năm qua, năm nay tôi muốn viết một cái gì đó, viết cho mình và cho các môn sinh.

Bảy năm, trót bảy năm chớp mắt thoi đưa vai vương bụi phấn, chẳng phải dài nhưng cũng đủ để nghiệm ra chân lý diệu huyền. Bảy năm rồi có biết bao là kỷ niệm vui buồn trong mối đạo.

Người xưa nay vẫn bảo, sư phạm là một nghề cao quý, nên chăng chính vì lẽ ấy mà Đình tôi chọn nghề để kết thành nghiệp thành duyên, mang cả máu tim mình vun vén mỗi gốc cây đời cho mai hậu. Song, thời cuộc làm nên sự thay đổi hay lòng người ngày một tha hoá đi, ngành nghề lý tưởng mà xưa kia tôi háo hức trông chờ giờ sao quá nhiều điều bất như ý!

Có vị tiến sỹ từng học Mỹ về đã phát biểu trong buổi họp với các giảng viên, nhân viên thuộc cấp thế này “các Thầy Cô nên trăn trở với ngành nghề của mình. Ở đây, trong phòng họp này thử hỏi có được bao nhiêu Thầy Cô đã coi sinh viên là khách hàng của mình để mình có thái độ chăm sóc chu đáo hơn, các Thầy Cô nên nhớ sinh viên là sự sống còn của chúng ta…”! Thoáng nghe câu “trăn trở với ngành nghề” tôi đã rất phấn khởi những tưởng có người đồng cảm sẽ chia, nhưng sau cái giây phút thoáng qua ấy, tôi quá ngỡ ngàng với vế sau của lời phát biểu! Ai không biết sinh viên là sự sống còn của một trường học, song cái chúng ta cần là chất lượng đào tạo, là đầu ra của trường chứ đâu phải là chiều chuộng sinh viên để bóp cổ lấy tiền! Tôi quá hụt hẫng với cụm từ “khách hàng” bởi lẽ nếu đã xem học trò mình là khách hàng thì mặc nhiên cũng thừa nhận đấy chính là Thượng Đế!

Lịch sử phân kim cổ, văn hoá định Đông Tây, tuỳ mảnh đất con người mà có phương thức giáo dục khác nhau. Người thành công không phải là người bảo thủ cái của mình, cho đó là tối ưu nhất và ra sức bài xích của người; người thành công chính là người biết khéo dung hoà Đông Tây kim cổ, biết tiếp thu một cách chọn lọc trên nguyên tắc làm giàu cho vốn có của của mình chứ không phải thay thế những giá trị trân quý mà mình đang có, thế nhưng dường như có quá nhiều người “trí thức” trẻ đang cố tình không nhận ra điều này, tạo nên một thảm hoạ cho giáo dục đương đại ảnh hưởng cực lớn đến sự nghiệp trồng người, hậu quả mà nó để lại sẽ không một ai lường trước được bởi lẽ “người hành nghề y mà sai lầm sẽ giết chết một mạng người, người làm chính trị mà sai lầm sẽ giết chết một quốc độ, nhưng người làm văn hoá mà sai lầm thì sẽ giết chết cả một thế hệ”!

Thế mới thấy cùng trăn trở với một ngành nghề cao quý, nhưng đâu phải là ai cũng giống như ai! Người trăn trở cho mầm xanh cuộc sống, kẻ trở trăn vì ấm cật phì da! Và thế mới thấy cái đạo làm Thầy phải đâu ai cũng được!

Có lần, có môn sinh hỏi tôi “thưa Thầy, em có thể hỏi Thầy mấy câu được không, em bức xúc quá”, tôi bảo “em cứ hỏi đi, Thầy đang nghe em đây”. Thế là bạn sinh viên ấy hỏi “thưa Thầy thế nào là một nhà Sư Phạm?” em hỏi tôi với ánh mắt rất hoang mang như đang tìm một điểm tựa.

Tôi trả lời “học cao vi SƯ thân chính vi PHẠM, người học cao thì có thể làm Thầy (Sư) của người, sống đạo đức ngay thẳng thì có thể làm tấm gương (Phạm) cho người. Điều đó có nghĩa là Thầy hay một nhà sư phạm phải luôn ý thức trang bị cho mình cả về tri thức lẫn đạo đức”.

“Thưa Thầy, thế nào là một người Thầy chân chính?”

Một người Thầy chân chính là một người Thầy không bao giờ đứng trên đôi vai của học trò mình để làm kinh tế. Nên để kinh tế theo sau chất lượng giáo dục, đừng biến giáo dục thành tấm áo khoác cho mưu đồ kinh tế, giáo dục là phi lợi nhuận nhưng cũng có thể là siêu lợi nhuận, chọn lối đi nào sẽ quyết định nhân cách của một người Thầy”

“Thưa Thầy, em cũng chọn con đường sư phạm, Thầy có thể cho em một lời khuyên để trở thành một người Thầy thành công?”

“Thành công thì không dám nói, nhưng theo tôi một người Thầy thành công là người Thầy có khối óc của người Cha, trái tim của người Mẹ và tấm chân tình của một người Bạn. Phải biết định hướng và nghiêm khắc khi cần, nhưng không vì tình cảm mà thành kiến hay ghét bỏ mà phải biết an ủi về đúng lúc và nhất là có những khi phải biết rời bục giảng, ngồi lại bên học trò mở lòng chia sẻ như một người bạn thân.”

Môn sinh của tôi dường như hài lòng về những câu trả lời của tôi, ánh mắt của cô sinh viên nhỏ như sáng lên một niềm tin ngành nghề phía trước.

Đêm về, tôi nằm suy nghĩ lại những câu trả lời của mình, tôi nghiệm lại trong suốt bảy năm qua đúng là lúc nào tôi cũng ý thức được là mình đang theo đuổi công việc của một nhà sư phạm, luôn nghiêm khắc khi cần, luôn lắng nghe và chia sẻ lúc hợp thời…tôi hướng mắt về kệ sách và mỉm cười giữa bóng đêm đang bao trùm cả gian phòng nhỏ, ừ thì tôi đã vạch ra được cho mình một lối nhỏ để đi riêng!

 

 

                                                             Dã Hạc Cư  ngày hiến chương năm 2011

                                                                      tục khách sơn dã cuồng nhân

 

 

 

 

 

 

 

 

* ảnh sưu tầm từ internet

 


Thứ Năm, 17 tháng 11, 2011

nương dấu chân từ...

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 




viếng Pháp Cổ Sơn

đề thơ tưởng niệm giác linh cố trưởng lão

thượng Thánh hạ Nghiêm…

 

 

Pháp Cổ,

con về

vắng bóng Sư,

lặng nghe chuông vọng

giữa am từ.

đá nghiêng hồn đá

buông màu mắt,

tâm lặng trời tâm

lắng thái hư.

nắng rọi Ba La vào Thập Địa,

mây nương Bát Nhã nhập Chân Như.

 

mới hay:

 

dẫu rằng

pháp thể hoàn cát bụi,

cõi thế

nơi này

chẳng vắng Sư…

 

 

Đài Bắc 28.07.2011

cư sỹ Trí Hải Lê Ngọc Đình khể thủ bái đề

 

 

 


Thứ Ba, 1 tháng 11, 2011

một thoáng lãng du...

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

gót chân lãng tử …

 

 

Tôi muốn tìm trong phút lặng yên,

Nụ hôn em phả mộng đào nguyên…

Ai gom mây kết trời vô định,

Để gặp đây rồi: một nét duyên…

 

 

Tôi muốn tìm trong suối nhạc êm,

Khúc tâm tư dạo buổi hương nguyền…

Trên đàn Tư Mã rung điệu luyến,

Nghe ngẩn ngơ lòng một phút riêng…

 

 

Tôi muốn lãng du giữa đêm nhung,

Bờ mây ươm mộng dưới trăng huyền,

Tương tư lọ phải nghìn xa cách,

Đã cạnh đây rồi, vẫn nhớ thêm…

 

 

Tôi cảm từ  trong phút lặng yên,

Tình yêu cuồng nhiệt của người điên,

Hoang sơ một nét không vương bụi,

Giữa chốn trần gian rất muộn phiền…

 

 

Tôi đi tìm phút bình yên,

Bước chông gai gửi giữa miền nhân gian.

Tôi đi tìm dấu địa đàng,

Ru em một giấc hoa vàng ngày xưa.

Tôi đi tìm bóng trong mưa,

Nhặt câu kỷ niệm chiều đưa em về.

Tôi đi gửi hẹn trao thề,

Trao em trọn phút đam mê thuở đầu…

 

 

Gió tương tư trót dãi dầu,

Mưa tương tư cũng quen màu phong sương…

Chiều buông tiếng nhớ câu thương,

Gót chân lãng tử quen đường phong lưu…

 

 

Dã Hạc Cư mùa thu năm Tân Mão

sơn dã cuồng nhân