Hôm qua trở mình tỉnh giấc,
nhìn ra ngoài trời mây đen vần vũ, trong nháy mắt mưa đã như trút nước xuống trần
gian. Vạn vật mờ dần và như lùi ra sau màn nước trắng xóa nhạt nhòa. Ngước nhìn
đồng hồ, vẫn chưa 6 giờ sáng, mưa đến sớm quá và bất ngờ quá !
Hai hôm nay không khỏe,
nóng sốt suốt hai ngày, vậy mà khi nhìn cơn mưa sáng nay lại không cưỡng nổi sức
quyến rủ của khung cảnh ấy. Đầu còn đau lắm, cổ còn rát lắm nhưng lại không muốn
nằm nữa, chống tay ngồi dậy, bệnh tật không chế ngự nổi niềm đam mê của gã cuồng
si.
Sau khi vệ sinh cá nhân
xong, bèn đun nước pha trà, bày chiếc kỷ nhỏ bên hiên độc ẩm ngắm mưa, lòng chợt
như chìm vào khoảng không gian bất tận ! Mưa !
Ngay phút giây tưởng chừng
đan tan dần trong cơn mưa ấy, tiếng chuông báo tin nhắn điện thoại vang lên lôi
kẻ cuồng khách trở về thực tại. Mở ra xem, hóa ra là chị Viên Trân – Hoàng Hoa
nữ sĩ ! Là ngẫu nhiên ?! Là vô tình ?! Hay là do có cùng tâm sự ?! Không biết nữa,
chỉ biết rằng qua làn sóng hiện đại ấy, chút tâm tư của nữ sĩ Hoàng Hoa được nối
liền với lòng lữ khách say thơ. Chị cũng đã bị cơn mưa sáng nay làm say đắm :
Sài
Gòn mưa trắng khung trời,
Lá bay, hoa rụng
dòng đời cuốn trôi.
Mưa về mang bụi mù
khơi,
Hương trà tan giữa
đất trời bâng khuâng. (1)
Bài lục bát
hay quá ! Từng câu từng chữ như thấm vào lòng kẻ lữ khách chốn bụi trần đang
say ngắm cơn mưa. Sài Gòn cũng được, mà Bình Dương cũng xong, hai vùng đất giờ
có chung cùng một điểm nối: mưa trắng trời giữa một sớm tinh sương.
Ai biết được tâm sự của
mưa hay nỗi lòng nữ sĩ trước dòng đời liên tục trôi đi ?! Mưa “mang bụi mù
khơi” về nơi chốn bụi, nhưng lòng phàm đã hòa tan cùng hương trà bất tận vào
khoảng sắc không vắng lặng mênh mông. Diệu trí viên chân siêu phàm thoát tục,
ngoảnh nhìn đời nở một nụ cười thoáng chút bâng khuâng.
Lòng nghe thanh thoát, thi
ý lâng lâng, bệnh như mười phần hết bảy. Tuần trà thứ nhất vừa cạn, thay chung
mở bầu rót chén hoàng hoa mà chị Viên Trân tặng hôm ghé quán trà. Lại vũ trung
nhất nhân độc ẩm (2), nhâm nhi từng hớp nhỏ, rượu vào tới đâu ấm lòng tới đó,
ba phần bệnh còn lại dường như phút chốc hóa mây. Gã cuồng si chợt như hóa thân
tan vào hương nồng rượu cúc, ngoài hiên mưa vẫn kiêu sa say đắm lòng người. Bất
chợt, nhớ hai câu thơ của Thi Ông đất Thần Kinh năm nọ, vỗ nhịp khẽ ngâm :
“Rượu
có mùi thơm nên uống mãi
Thơ là thuốc bổ cứ
ngâm chơi” (3)
Thú vị thật !
Khoảng không gian từ lâu như tan vỡ, tường thời gian giờ như muốn lung lay chỉ
để đưa kẻ hậu bối về gần hơn với tiền nhân thuở nọ !
Mưa đẹp lắm mà sao cũng buồn
lắm ! Chẳng biết vì mưa buồn hay lòng kẻ ngây dại đang buồn mà chợt dệt nên
cung đàn ngôn ngữ :
Mưa giăng mờ
lối buổi hừng đông
Thương nhớ chi ai trút cạn
lòng ?!
Gieo giọt sầu giăng ngàn nỗi
nhớ
Rót lời buồn lắng vạn niềm
mong
Nỉ non khúc nhạc tình
buông lửng
Xáo động hồn thơ ý chợt nồng
Cất bút những toan đề vận
xướng
Lại e thiên hạ bảo mình
ngông ! (4)
Thơ vừa gửi đi, khách tâm đồng hưởng ứng, cô sinh
viên Như Ngọc nhắn tin chia sẻ cùng thầy “ Mưa luôn gợi nỗi buồn, một nỗi buồn
bất chợt như cơn mưa bất chợt đến. Mưa sớm lại càng buồn hơn. Trời chưa kịp hừng
đông đã vội làm cảnh vật chìm vào làn mưa mờ ảo, tuy buồn nhưng đậm chất thơ. Dường
như tác giả đã có một kỷ niệm nào đó với mưa, nên mỗi lần mưa rơi là kỷ niệm lại
ùa về với bao nỗi vấn vương trong lòng. Mưa và kỷ niệm đã làm cho tâm hồn thơ
trỗi dậy trong lòng. Hai câu thơ cuối ‘sợ ngông’ nhưng lại rất ngông.”
Còn cô sinh viên Thảo Huy thì lại như nũng nịu “Bài ni buồn
quá thầy ơi! Đọc bài thơ, em không thấy mưa nữa mà em thấy nước mắt của một con
người đấy”
Vui quá, thơ là tiếng lòng mà đã là tiếng lòng thì đâu dễ mấy
ai nghe được tiếng phản hồi từ khách tri âm. Xem ra đã quá hạnh phúc rồi!
Châm lại bình trà, tìm say hương đượm. Thơ nghêu ngao mà nghe
sảng khoái tận tâm hồn. Phật Hoàng bảo “đối cảnh không tâm chớ hỏi thiền”, nhưng
với cảnh này thì say lòng tục mất rồi, thôi thì nguyện đọa tam đồ khổ để tận hưởng
nét đẹp nhân gian!
Mưa vẫn như khuynh bồn trút nước, triệu triệu sợi nước dài như
triệu triệu dây tơ kéo căng trên hai đầu trời đất, phải chăng vì nỗi nhớ niềm
thương mà tấu lên muôn ngàn cung điệu tình tang. Hạt rơi tàu chuối, hạt rót hiên
văn, hạt vào ngõ vắng tí tách ngân vang như hòa chung một mỹ khúc, dạ phàm trần
thoáng bỗng ngẩn ngơ, chân bến tục mà cứ ngỡ non Bồng nước Nhược :
Trời đất căng mưa nối nhịp đàn,
Hai đầu nỗi nhớ trỗi tình tang.
Cung khoan cứ ngỡ câu tình tứ,
Điệu nhặt chừng ra tiếng ngọc vàng.
Hạt rót tàu tiêu như phách vọng,
Hạt sa mặt nước tựa cầm vang.
Khách nơi sơn dã nghe mưa sớm,
Cứ ngỡ hồn như lạc địa đàng. (5)
Bài thơ lại một
lần nữa qua làn sóng điện thoại, tới tay người nên tới. GS Trần Văn Khê đã gửi
lại một bài thơ trả lời :
Khen con hồn nhạc thấm vào Tâm,
Nghe tiếng mưa rơi ngỡ tiếng Cầm !
Khoan nhặt giọt mưa thành tiết tấu
Bổng trầm làn gió gợi hòa âm.
“Phong xuy trịch liễu” (6) như “xuy địch” (7)
“Vũ đả ba tiêu” (8) tợ “đả cầm” (9)
Sáng sớm cơn mưa nơi sơn dã
Cho người lữ thứ phút thâm trầm. (10)
Trời ạ, được
Thầy ban thơ hòa cùng cảm xúc thì còn gì sung sướng hơn nữa ! Không chút đắn
đo, trong một phút xúc động chợt đến, đốt trầm cất bút họa nguyên vận bài thơ của
Thầy để bày tỏ chút lòng thành của kẻ làm trò :
Vần
thơ như rót mật vào Tâm,
Cứ ngỡ Tôn Sư trỗi
ngọc cầm.
Tiếng tiếng vỗ lòng
thành mỹ tiết,
Câu câu căng lụa
hóa giai âm.
Nhặt như “Thập Diện”
(11) reo cung võ (12),
Khoan tựa
“Đăng Đàn” (13) rộn phím cầm.
Chiều được thơ Thầy
mừng quá đỗi,
Sửa lò phụng họa giữa
hương trầm.(14)
Nhận được bài
thơ họa, Thầy gửi ngay cho hai câu lục bát : “Khen con họa vận rất hay ! Đọc
xong cảm thấy lòng Thầy nở hoa”. Quả là “đại sướng” (15)
Còn cô sinh viên Như Ngọc
thì lại cảm nhận được “Giữa chốn sơn dã, từng hạt mưa rơi rớt như cung đàn mà
thiên nhiên ban tặng. Những hạt mưa rơi trên những chỗ khác nhau như ‘tàu tiêu,
mặt nước’ tạo nên khúc nhạc của thiên nhiên. Mưa như sự giao hòa của trời đất,
nối liền khoảng cách của ‘hai đầu nỗi nhớ’. Từng hạt mưa rơi tưởng như rời rạc,
nhưng lại tạo ra mọt bản nhạc diệu kỳ. Điệu nhạc của thiên nhiên hay quá đỗi,
làm cho khách sơn dã say mê, ngỡ hồn mình như lạc vào hồn địa đàng”.
Cô sinh viên Thảo Huy thì
lại tâm sự “ mỗi lần đọc một bài thơ về mưa của thầy, em lại thích mưa hơn dù rằng
mưa rất buồn. Như bài thơ này, em nghĩ ai mà không thích khi mưa được ví như những
dây đàn mà trời đất căng ra để ‘hòa nhịp tình tang’, trời đất như một đôi tình
nhân tấu lên tiếng đàn để nói lên tâm tư của mình”
Một cơn mưa sớm, một cảm
xúc bất chợt để rồi nhận được bao lời đồng cảm, nhân sinh mỹ vị còn chi khác nữa
đây ?!
Trà đã nguội, mưa đã ngớt
mà sao lòng như còn chìm ngập trong tình thi hữu lâng lâng. Kiếp nhân sinh, cuộc
thế sự vô thường, kẻ lữ thứ chợt dường như vừa tìm ra một con đường chân hạnh
phúc……
Bình Dương
26.05.2009
sơn
dã cuồng nhân Lê Ngọc Đình
-------------------------------------
Chú thích:
(1) Thơ của
chị Viên Trân, trà chủ của Hiện Quán trà thất.
(2) Uống một
mình trong mưa
(3) Thơ của Cụ
Ưng Bình Thúc Giạ Thị, thân phụ của nữ sĩ Hỷ Khương.
(4) Bài thơ
“Ngắm Mưa Sớm Cảm Tác” của Ngọc Đình.
(5) Bài thơ
“Sớm Sơn Dã Nghe Mưa” của Ngọc Đình.
(6) Tên một
bài hát của Việt Nam.
(7) Thổi sáo
(8) Tên một
bài hát của Trung Quốc
(9) Đánh đàn.
(10)Thơ
của GS.TS Trần Văn Khê.
(11)”Thập
diện mai phục” tên một khúc nhạc của Trung Quốc.
(12)Đàn
tỳ bà, ngày xưa đàn tỳ bà được coi là đàn võ, là vật tùy thân giải muộn của các
tướng lĩnh, binh sĩ.
(13)
“Đăng đàn cung” tên một bài nhạc Việt Nam.
(14)
Thơ họa của Ngọc Đình
(15)
Từ của nhà thơ Tôn Nữ Hỷ Khương.
Hihi! Ok .. làm được rùi đó Đình!
Trả lờiXóahihi, dạ vâng, đang mò từ từ chị ơi! Nhưng nói gì nói vẫn tiếc cái nhà bên mul quá trời!
Trả lờiXóaAi mà ko tiếc... nhưng phải thế thôi... chọn bài mình thik rùi copy wa...sau này rảnh còn xem lại dc... chứ ko thì mất trắng hết đó... cà các còm trong guesbook nữa... thik cái nào thì copy cả đống past wa... nếu ko đăng Đình đẻ trong chế độ lưu nháp... để mình xem thôi... vậy nha... chúc ngày vui..
Trả lờiXóa