Thứ Hai, 13 tháng 8, 2012


   
Tham luận hội thảo 
 “Vị thế văn hóa – Văn hóa dân tộc trong giảng dạy đại học”
Tại Trường Đại Học Bình Dương 23-24/04/2009
                                                                                                                                                                                   

Ngày trước, trong các trường học ta thường bắt gặp câu châm ngôn “Tiên học lễ, hậu học văn”, chữ “Lễ” trong câu chỉ được các Thầy Cô giáo giải thích đơn giản là “lễ phép” thế nên lâu dần cái nghĩa “đơn giản” được gán cho ấy mất hút dưới lớp bụi thời gian, để rồi ngày nay hiếm hoi lắm mới lại bắt gặp câu “tiên học lễ, hậu học văn先学礼、后学文” xuất hiện ở một nơi khiêm tốn thiếu trang trọng, nhếch nhác chữ còn chữ mất trong một trường học nơi thôn quê hẻo lánh nào ấy. Chẳng mấy ai thiết tha tìm hiểu xem cái ý nghĩa và giá trị trọn vẹn hàm chứa bên trong chữ “Lễ” là như thế nào, vị trí vai trò của nó ra làm trong giáo dục.
Kinh tế mở cửa, nhiều trào lưu văn hoá du nhập vào Việt Nam, một bộ phận thanh thiếu niên Việt Nam nhiệt tình đón nhận và biến mình thành giá đỡ cổ suý tuyên truyền hình ảnh văn hoá ngoại lai, quay lưng lại với văn hoá của chính mình. Trong bối cảnh ấy, không ít người chẳng tiếc lời chỉ trích, song mấy ai nghĩ rằng chúng ta cũng góp một phần lỗi không nhỏ làm nguyên nhân cho hậu quả ngày nay.
Quét bụi thời gian, ngược về quá khứ chúng ta khảo sát xem ý nghĩa đầy đủ của chữ “Lễ”, để rồi từ đó có một đánh giá đúng đắn về vị trí, vai trò và giá trị của chữ “Lễ” trong giáo dục ngày nay.
1. Thế nào là “Lễ
“Lễ” bắt nguồn từ Trung Hoa, sau được du nhập vào Việt Nam. Theo Từ Hải辞海 “Lễ ” vốn nghĩa là kính thần, sau được dùng theo nghĩa rộng để chỉ sự kính trọng ai đó, ví dụ trong “Tả Truyện – Hỷ Công nhị thập lục niên ” có đoạn : “ (Trùng Nhĩ) cập Trịnh, Trịnh Văn Công diệc bất lễ yên Trùng Nhĩ đến nước Trịnh, vua Trịnh Văn Công đã không dùng lễ 重耳及郑,郑文公亦不礼焉”. Cũng theo Từ Hải, trong xã hội chiếm hữu nô lệ hoặc xã hội phong kiến, “Lễ” được dùng như một khái niệm chỉ các quy phạm đạo đức và các chuẩn mực xã hội, như trong “Luận Ngữ - Vi Chính” có câu : “ tề chi dĩ lễ dùng lễ để chỉnh đốn giáo hóa dân chúng齐之以礼”, sau được Chu Hy chú “Lễ, vị chế độ phẩm tiết dã lễ là chế độ phẩm tiết vậy 礼,谓制度品节也”.
Rất nhiều người thường cho rằng, Lễ là chủ trương của Nho gia đề ra nhằm duy trì trật tự các mối quan hệ trong xã hội. Song trên thực tế, Lễ không chỉ đơn thuần dùng để duy trì trật tự xã hội mà còn góp phần rất lớn tạo nên nhân cách một con người xã hội. Hơn nữa, “Lễ” không phải chỉ xuất hiện từ sau khi học thuyết Nho gia ra đời. Qua tra cứu một số thư tịch cổ của Trung Hoa còn lưu lại cho tới ngày nay ta thấy khái niệm về “Lễ” không phải là sáng tạo của Khổng Tử nói riêng hay Nho gia nói chung, mà trước Khổng Tử đã có “Hạ Lễ夏礼”, “Ân Lễ 殷礼” và “Chu Lễ周礼”, thời đại này chọn lọc kế thừa tiếp theo thời đại trước, đến “Lễ” dưới thời Chu Công đã được hoàn thiện. Sang thời Khổng Tử, thì khái niệm về “Lễ” đã không tách rời “Nhân” trong hệ thống tư tưởng của ông. Trong thiên Bát Dật sách Luận Ngữ có đoạn viết “Nhân nhi bất nhân như lễ hà ? Nhân nhi bất nhân như nhạc hà ? người mà không có lòng nhân ái thì dùng Lễ có tác dụng gì? Người mà không có lòng nhân ái dùng nhạc có tác dụng gì?人而不仁如礼何?人而不仁如乐何? từ đó Khổng Tử chủ trương nền Đức trị “Đạo chi dĩ đức, tề chi dĩ lễ dùng đạo đức để trị lý, dùng lễ để chỉnh đốn道之以德,齐之以礼”, phá vỡ tư tưởng “lễ bất hạ thứ nhân lễ không tới thứ dân (thứ dân không có tư cách để đón nhận lễ) 礼不下庶人”.
Đến thời Chiến Quốc, Mạnh Tử đã lấy Nhân, Nghĩa, Lễ, Trí làm nền tảng cho chuẩn mực đạo đức. “Lễ” chính là “từ nhượng chi tâm”, trở thành một trong những phẩm hạnh đạo đức của con người. Sang đến Tuân Tử thì ông còn coi trọng “Lễ” hơn cả Mạnh Tử, trong trước tác “Lễ luận” ông đã luận chứng khởi nguyên và tác dụng xã hội của “Lễ”. Ông cho rằng, chính “Lễ” làm cho mỗi người trong xã hội có vị trí nhân định trong sự phân cấp quý – tiện, trưởng - ấu, bần – phú.
Trong suốt chiều dài phát triển của lịch sử loài người,  “Lễ” được coi là một chuẩn mực trong cuộc sống, quy phạm đạo đức trong xã hội. Theo sự phát triển và cải cách không ngừng của xã hội, khái niệm về “Lễ” không ngừng được bổ sung và điều chỉnh cho phù hợp với xã hội hiện tại. Song nhìn chung có thể tạm hiểu “Lễ” theo nghĩa rộng và nghĩa hẹp :
-               Nghĩa rộng : “Lễ” hiểu theo nghĩa rộng có nghĩa là “Lễ nghĩa”, là một giá trị được thừa nhận và là một chuẩn mực của hành vi.
-               Nghĩa hẹp : “Lễ” hiểu theo nghĩa hẹp có nghĩa là “Lễ nghi”, tức là những phương thức thái độ đối nhân xử thế, cử chỉ hành vi, lời nói của con người.
Từ đó có thể thấy, “Lễ” mang một trường nghĩa rất rộng chứ không chỉ đơn thuần là “Lễ phép” như một số người đã hiểu.
2. “Lễ” qua cái nhìn của người xưa :
“Lễ” nếu đi từ nghĩa hẹp sang nghĩa rộng, tức là từ những phương thức thái độ đối nhân xử thế, cử chỉ hành vi, lời nói của con người và những hành vi ứng xử đó phù hợp với những chuẩn mực của xã hội quy định chính là quá trình hình thành nên nhân cách của một con người.
Đối với người xưa, “Lễ” còn quan trọng hơn cả ngôn ngữ, nó góp phần phân biệt giữa con người và cầm thú, chương Điển Lễ trong sách Lễ Ký có đoạn viết
“Anh Vũ năng ngôn, bất ly phi điểu; Tinh Tinh năng ngôn, bất ly cầm thú. Kim nhân nhi vô lễ, tuy năng ngôn, bất diệt cầm thú chi tâm hồ?
Chim két có thể nói song vẫn không thoát ly khỏi loài chim, tinh tinh tuy biết nói nhưng vẫn không thoát ly khỏi loài cầm thú, nay con người mà không có Lễ thì dù có thể nói song có khác chi lòng dạ cầm thú đâu ?
鹦鹉能言,不离飞鸟。猩猩能言,不离禽兽。今人而无礼,虽能言,不亦禽兽之心乎?
Và do vậy mà “thị cố thánh nhân tác, dĩ lễ nhi giáo nhân, tri tự biệt vu cầm thú Do vậy mà bậc Thánh dùng Lễ để dạy người để thấy rõ cái lẽ khác nhau giữa người và cầm thú vậy是故圣人作,为礼以教人,知自别于禽兽。
Hay như Khổng Dĩnh Đạt thời Đường cũng nói “nhân năng hữu lễ, nhiên hậu khả dị vu cầm thú dã người phải có Lễ rồi sau đó mới có thể khác biệt với cầm thú vậy人能有礼,然后可异于禽兽也
Mở rộng hơn một chút và nâng cao hơn một chút, với người xưa Lễ chính là giềng mối của trật tự xã hội. Trong xã hội phong kiến xưa, trung ương đối với địa phương, cấp trên đối với cấp dưới đều dùng “Lễ” để xử lý và thể hiện. “Lễ” lúc bấy giờ được xem như một chuẩn mực, phép tắc ứng xử để duy trì trật tự trong xã hội. “Lễ Ký礼记” quy định rất rõ những phép tắc ứng xử giữa vua với bề tôi, bề tôi đối với vua, vua chư hầu với vua chư hầu. Từ đó có thể thấy “Lễ” là một hệ thống quy ước các chuẩn mực đạo đức tại một thời điểm và một xã hội, một chế độ nhất định.
“Lễ” còn là nguyên tắc chuẩn mực trong tất cả các hoạt động xã hội. Theo tinh thần của Nho gia, mọi hoạt động của con người nên phù hợp với “Đức” và yêu cầu thể hiện bằng Nhân , Nghĩa, Văn, Hành, Trung, Tín. Từ đó căn cứ vào yêu cầu các hành vi theo chuẩn mực đạo đức ấy mà đặt thành một bộ quy phạm được gọi là “Lễ”. Ví như hôn lễ phải cử hành như thế nào, tang phục phải mặc ra làm sao, đối với Cha Mẹ phải phụng sự thế nào, đối với tôn trưởng phải xưng hô sao cho phải phép…Do vậy mà trong sách Tả Truyện Thành Công thập tam niên, Mạnh Hiến Tử nói “Lễ, thân chi can dã. Lễ là hành động của thân vậy 礼,身之干也” . Trong đời sống xã hội xưa, Lễ chính là chuẩn mực quân bình giữa phải và trái, giữa ngay thắng và quanh co, là cái gốc rễ của mọi việc. “Lễ ký – Điển lễ” có đoạn nói : “đạo đức nhân nghĩa, phi lễ bất thành. Giáo huấn chính tục, phi lễ bất bị. Phân tranh biện tụng, phi lễ bất quyết. Quân thần, thượng hạ, phụ tử huynh đệ, phi lễ bất định. Hoạn học sự sư, phi lễ bất thân. Ban triều trị quân, lỵ quan hành pháp, phi lể uy nghiêm bất hành. Đảo từ tế tự, cung cấp quỉ thần, phi lễ bất thành bất trang. Đạo đức nhân nghĩa không có lễ thì không thành. Dạy dỗ chấn chỉnh thuần phong mỹ tục thiếu lễ sẽ không đầy đủ. Tranh luận thưa kiện, không lễ khó quyết. Vua tôi, trên dưới, cha con, anh em thiếu lễ sẽ không phân định. Xử lý chính sự điều hành việc quân, chấp pháp hành pháp không lễ thì không thể hiện được cái uy nghiêm, cúng tế cầu đảo, phụng sự quỉ thần, thiếu lễ sẽ thiếu thành ý và sự trang nghiêm 道德仁义,非礼不成。教训正俗,非礼不备。分争辨讼,非礼不决。君臣、上下、父子、兄弟,非礼不定。宦学事师,非礼不亲。班朝治军,官行法,非礼威严不行。祷祠祭祀,供给鬼神,非礼不诚不庄” .
Lễ còn được coi là phương thức giao tế trong xã hội loài người. Giữa con người với con người, xưng hô với đối phương như thế nào, vị trí của mỗi người ra làm sao, đưa đón thế nào, yến tiệc nên làm sao cho phải phép…tất cả đều được quy ước mà ta gọi là “Lễ”. Hành vi ứng xử hợp với “Lễ” đó chính là biểu hiện của có giáo dục. Thậm chí khi đôi bên chưa gặp mặt, chỉ qua thư tín cũng đã có những quy ước dùng từ thế nào cho phải phép.
Từ một số trích dẫn trên, ta cũng phần nào thấy được “Lễ” bao hàm rất nhiều chuẩn mực đạo đức, làm thước đo các hành vi ứng xử trong xã hội, trong mối tương quan giữa người với người.
3. Giá trị của “Lễ” trong đạo dạy và học ngày nay:
Hơn ngàn năm chịu ách đô hộ của  đế quốc phong kiến phương bắc, dân ta với tinh thần hiếu hoà hơn hiếu chiến, ham hiểu biết học hỏi, chúng ta đã đón nhận các học thuyết của Trung Quốc xưa với tinh thần cầu học chứ không phải bị “đồng hoá”. Với cá tính nhu hoà uyển chuyển, chúng ta tiếp thu một cách có chọn lọc để hoàn thiện chính bản thân mình.
Tự ngàn xưa, với cái nhìn minh triết của tiền nhân, cha ông ta đã nhận ra được tầm quan trọng của “Lễ” trong việc hình thành nhân cách con người nên các cụ đã đúc kết thành một bài học cô đọng cho con cháu mai hậu “tiên học lễ, hậu học văn trước học lễ sau mới học văn先学礼、后学文”. “Lễ” là lề lối, là chuẩn mực đạo đức, là nguyên tắc ứng xử giữa người với người, đồng thời cũng là giới luật cho việc tu thân. Muốn trị quốc trước phải tề gia, muốn tề gia trước phải tu thân, muốn tu thân trước tiên ngôn hành phải ứng với “Lễ”. Do vậy, tuy nói Đức Tài kiêm bị, song dường như với người xưa cái Đức còn hơn cả cái Tài.
3.1 “Lễ” trong đạo làm Thầy :
Người xưa nói “học vô tiên hậu duy hữu đức giả vi sư trong việc học không phân trước sau duy chỉ người có đức mới xứng đáng là Thầy学无前后、唯有德者为师”, thế mới thấy tiền nhân xưa coi trọng phẩm chất đạo đức của người làm Thầy biết bao nhiêu.
Có thể nói, từ khởi thủy nước ta mở mang việc học tới nay, người Thầy luôn được xã hội tôn trọng và coi là tấm gương tiết tháo mô phạm của mọi người. Chính từ đó, ta thấy tại sao trong giềng mối ngày xưa, các cụ đặt Quân – Sư – Phụ, người Thầy đứng trước cả người Cha.
Cha Mẹ sinh thân, nhưng đức trí lại nhờ Thầy giáo dưỡng, ấy nên nghề giáo mới gọi là cái nghề trồng người, Thầy được gọi là “nhà sư phạm”. Thế nào là sư phạm 师范? Người xưa dạy “học cao vi sư, thân chính vi phạm học cao là thầy (sư), sống ngay thẳng đạo đức là phạm学高为师、身正为范” vậy nên chăng, phải hiểu rằng trước khi dạy học trò Thầy cũng phải là tấm gương mô phạm “khắc kỷ phục lễ sửa mình quay về với lễ 克己复礼”.
“Lễ” là đạo của Thầy đối với trò, là cách ứng xử, dạy bảo đúng mực của người Thầy đối với môn sinh của mình. Đặt Thầy trước vị trí của người Cha trong ba giềng mối lớn Quân – Sư – Phụ là người xưa đã trao cho người Thầy cả vinh dự và cả trọng trách. Thầy ngoài việc truyền đạt kiến thức cho trò, còn phải uốn nắn tư cách, tác phong của trò bằng tất cả tình thương và uy nghiêm của một người Cha.
Đạo học ngày nay được mở rộng, tiếp thu phong hoá Tây Âu, kinh tế chuyển sang cơ chế thị trường, cuộc sống đầy cám dỗ, ngay trong bối cảnh này, người Thầy hơn lúc nào hết phải giương cao ngọn cờ “Lễ”, đem thân thị phạm làm tấm gương cho lớp lớp môn sinh thì mới mong tạo ra được những người chủ tương lai Đức Tài kiêm bị.
Nhìn lại một số nhà giáo của chúng ta ngày nay, nhất là ở bậc đại học, không ít các Thầy Cô vẫn quan niệm lên lớp là để truyền trao kiến thức, còn như việc trò tiếp nhận kiến thức như thế nào, phẩm hạnh đạo đức ra làm sao……luôn giữ một thái độ bàng quan, xem như đó không phải là trách nhiệm của mình. Vô hình chung, Thầy đẩy trò dần ra xa mình, quan hệ Thầy trò ngày một mờ nhạt, mờ nhạt đến mức trò cảm thấy nhàm chán việc học hoặc giả xem việc học như một việc làm khiên cưỡng. Khi đó, cũng không ít các Thầy Cô quay sang trách các em nhưng đâu hay rằng chính mình là người gây nên cục diện như thế.
Có thể có người cho rằng “cơm áo không đùa với giáo sư”, song thiết nghĩ, đã dấn thân vào sự nghiệp trồng người thì cũng có nghĩa là đã tuyên thệ với lòng sống kiếp “thanh bần lạc đạo”, đâu thể nửa đường thay đổi. Người ta nói Thầy là người truyền trao tri thức chứ có ai lại nói Thầy là người bán chác tri thức bao giờ !
Nếu ý thức được sứ mạng cao quý ấy, ắt sẽ thấy được tầm quan trọng của “khắc kỷ phục lễ”, dùng “Lễ” hoàn thiện mình và dạy dỗ ngưởi.
Thời gian gần đây, qua các phương tiện thông tin đại chúng, nghe lắm tin mà khiến người ta rơi nước mắt, thầy gạ tình đổi điểm, phê học bạ theo giá trị món quà. Thầy như thế nên trò thì chuẩn bị tiền hơn chuẩn bị kiến thức, thuê người thi lấy hộ mảnh bằng, trực tiếp ngã giá cùng thầy…chốn học đường biến thành phố chợ. Thầy đứng trên vai của trò để làm kinh tế hay nói khác đi, thầy bán trò mua, chẳng còn hình ảnh cao đẹp của một bậc lương sư “vì lợi ích cả đời mà trồng người” *.
Từ đó ta càng thấy rõ, nếu giải thích “Lễ” chỉ đơn thuần là “lễ phép” để rồi buộc học trò phải thế này thế nọ mà ta quên rằng “Lễ” còn là chuẩn mực đạo đức của cả Thầy. Hơn thế nữa, Thầy còn phải là người đi tiên phong trong việc “khắc kỷ phục lễ sửa mình quay về với lễ克己复礼”, nghiêm sư ắt xuất cao đồ, Lương sư còn có thể làm hưng thịnh quốc gia huống hồ là đào tạo những thế hệ học trò đức trí kiêm bị.
Thầy thấm nhuần trong “Lễ” sẽ truyền dạy được “Lễ” cho trò, trò học được “Lễ” từ Thầy tất ứng xử với Thầy đúng “Lễ” trong hiện tại, và là người biết dùng “Lễ” trong cuộc sống xã hội mai sau.
Có thể nói, “Lễ” là nền tảng của Đạo đức, mà Đạo đức là căn bản của một nhà sư phạm. Thế nên, dù bất kỳ trong thời kỳ nào, xã hội nào, chế độ nào thì người Thầy cũng không thoát khỏi sự ràng buộc của “Lễ” trên con đường hoàn thiện mình và hướng thiện người.
3.2 “Lễ” trong đạo làm trò :
Theo đà phát triển như vũ bão của xã hội ngày nay, mối quan hệ giữa Thầy và trò có những thay đổi không nhỏ. Hiềm nỗi, những thay đổi ấy phần lớn mang tính tiêu cực, mà nguyên nhân chính là sự phá vỡ cái “Lễ” của trò đối với Thầy. Mà đáng nói nhất chính là sự phá vỡ “Lễ” trong cách xưng hô giữa Thầy và trò.
Cơ chế thay đổi, chính sách mở cửa, nhiều người học theo Tây Âu theo kiểu “trưởng giả học làm sang”, tiếp thu phong hóa Âu Mỹ, để rồi chốn học đường xuất hiện những cách xưng hô hết sức lạ lùng như “anh Thầy” chẳng hạn; hay như việc gọi Thầy Cô bằng anh bằng chị cho thân mật; hay trò nói chuyện với Thầy lại xưng là “tôi” cho bình quyền, tự chủ. Không ít người tán đồng “sáng tạo” trên, nhưng họ có biết đâu họ đang phá vỡ cái “Lễ” giữa Thầy và trò, lung lay tận gốc Đạo đức căn bản của kẻ làm Thầy và của cả kẻ làm trò. Thầy chẳng ra Thầy, trò cũng chẳng ra trò, mối quan hệ cao quý giữa Thầy và trò trở nên trở thành mối quan hệ không “chính danh”. Một khi đã không chính danh thì hàng loạt các hệ quả đua nhau xuất hiện mà ta khó bề khống chế. Khổng Tiên Sư đâu chẳng từng nói “danh bất chính tắc ngôn bất thuận, ngôn bất thuận tắc sự bất thành, sự bất thành tắc lễ nhạc bất hưng, lễ nhạc bất hưng tắc hình phạt bất trúng, hình phạt bất trúng tắc dân vô sở thố thủ túc tên gọi không chính thì lời nói sẽ không thuận, lời nói không thuận thì công việc sẽ không thành, việc không thành thì điển chế lễ nhạc của quốc gia không phát huy được, lễ nhạc không phát huy được thì hình phạt sẽ không thỏa đáng, hình phạt không thỏa đáng thì dân không có chỗ để bám víu vào名不正则言不顺,言不顺则事不成,事不成则礼乐不兴,礼乐不兴则刑罚不中,刑罚不正则民无所措手足**
“Lễ” là mối ràng buộc người đi học vào các hành vi ứng xử, “Lễ” là sự khiêm cung để học hỏi ở các bậc trưởng bối, “Lễ” là sự hòa nhã trong giao tế với bạn bè, “Lễ” là hành vi ứng xử dúng mực trong các mối quan hệ ngoài xã hội. Rõ ràng “Lễ” chính là nấc thang giúp người đi học ngày một hoàn thiện mình, nâng mình lên một tầm cao hơn trong việc hình thành nhân cách.
Với cái nhìn bao quát và xuyên suốt, người xưa đã hết sức đúng đắn khi nói câu “tiên học lễ hậu học văn”, nếu chẳng hoàn thiện được cái “Lễ” thì cho dù bác lãm quần thư, kinh luân đầy bụng phổng có ích gì !
Rõ ràng, “Lễ” xuất hiện từ thời thượng cổ bên Trung Quốc, sau đó truyền sang Việt Nam được các bậc tiền hiền của ta tiếp nhận và cải biên cho phù hợp với dân tộc ta. Qua thời gian, nghĩa của “Lễ” khi thì tăng thêm khi thì giảm đi, song nhìn chung khái niệm “Lễ” là một hệ thống hành vi ứng xử hợp đạo đức trong các mối quan hệ xã hội của con người, ý nghĩa của “Lễ” tới nay vẫn giữ nguyên không đổi. Dù xã hội thay đổi thế nào đi chăng nữa, thì người ta vẫn cần có những con người có cách ứng xử hợp lễ hợp đạo đức, mà môi trường rèn “Lễ” gần như đầu tiên của con người trước khi thật sự bước vào cuộc sống xã hội chính là ngôi trường, và người thị phạm điều đó, không ai khác hơn là các nhà làm giáo dục. Thế mới thấy, vai trò của “Lễ” vẫn  giữ nguyên giá trị trong nền giáo dục ngày nay, nhất là trong vấn đề rèn Đức.
Có lẽ, đã đến lúc chúng ta cần nhìn nhận lại, đánh giá lại giá trị và chân lý bất hủ của câu nói “tiên học lễ hậu học văn先学礼、后学文 ” của cha ông ta (có người cho rằng đây là câu nói của Khổng Tử, song trong Luận Ngữ không tìm thấy câu nói này, theo Nhà sử học Nguyễn Khắc Thuần thì đây là câu nói của người Việt Nam xưa). Cần có một sự hiểu biết và lý giải đúng đắn hơn về chữ “Lễ” trong câu nói ấy, để từ đó có sự kế thừa đúng đắn, nhất là trong môi trường giáo dục, một môi trường hết sức đặc thù, một ngành nghề được coi là cao quý từ ngàn xưa.
Dân gian có câu “kính Thầy mới được làm Thầy” đó là cái đạo, cái lễ của trò đối với Thầy. Lại cũng có câu “Muốn sang thì bắt cầu kiều, muốn con hay chữ phải yêu kính Thầy” đó là cái đạo, cái lễ của các bậc phụ huynh, làm gương cho con trẻ trong việc giữ lễ đối với Thầy, thì thiết nghĩ, Thầy cũng nên giữ mình đúng lễ của một bậc lương sư cho xứng đáng với lòng tôn kính của trò. Đồng thời, chỉ khi Thầy giữ mình đúng lễ mới có thể răn dạy học trò.
Nếu có thể, tôi tha thiết mong mỏi các cơ quan hữu quan, có nên chăng kiểm tra phẩm hạnh đạo đức, hành vi ứng xử của các thí sinh trước khi thi vào ngành sư phạm hoặc là trước khi các sinh viên ra trường theo đuổi sự nghiệp trồng người. Bởi lẽ, đó chính là một trong những biện pháp để chấn hưng giáo dục ngày nay.

Bình Dương 19.04.2009
-------------------------------------
* Quản Trọng管仲chính trị gia, nhà quân sựnhà tư tưởng Trung Quốc thời Xuân Thu (685 TCN) trong chương Quyền Thuật của sách Quản Tử có nói :
“Nhất niên chi kế mạc như thụ cốc, Thập niên chi kế mạc như thụ mộc, Chung thân chi kế mạc như thụ nhân. Nhứt thu nhứt hoạch giả, cốc dã. Nhứt thu thập hoạch giả, mộc dã. Nhứt thu bách hoạch giả, nhân dã.
Kế sách trong vòng một năm không gì bằng trồng lương thực.  Kế sách trong vòng mười năm không gì bằng trồng cây. Kế sách cho cả đời không gì bằng trồng người. Trồng một, thu một, ấy là lương thực vậy. Trồng một, thu mười, ấy là cây vậy. Trồng một, thu trăm, ấy là người vậy.
一年之计,莫如树谷:十年之计,莫如树木;终身之计,莫如树人。一树一获者,谷也,一树十获者,木也,一树百获者,人也。
** Trích “Luận ngữ - Tử Lộ” trang 129, NXB Du lịch Thiểm Tây xuất bản, 2003


zipposgvn wrote on May 9, '10
Một chữ Lễ mênh mông vô tận, có thể cả đời học cũng chưa xong. Học Lễ, biết Lễ để biết mình cũng còn nhiều khiếm khuyết, lúc này lúc khác, với người này hoặc với người kia!

sondacuongnhan wrote on May 9, '10
zipposgvn said
Một chữ Lễ mênh mông vô tận, có thể cả đời học cũng chưa xong. Học Lễ, biết Lễ để biết mình cũng còn nhiều khiếm khuyết, lúc này lúc khác, với người này hoặc với người kia!
anh Zip nhanh ghê ta ơi!
cảm ơn anh nhìu nhìu hó!

tieuyen wrote on Nov 13, '10
Hôm nay em mới biết hết được ý nghĩa của chữ Lễ.Cảm ơn thầy nhiều ^^

sondacuongnhan wrote on Nov 13, '10
tieuyen said
Hôm nay em mới biết hết được ý nghĩa của chữ Lễ.Cảm ơn thầy nhiều ^^
cảm ơn em đã thưởng thức!

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét