Thứ Ba, 27 tháng 11, 2012


Blog EntryMay 15, '12 1:16 PM
for everyone


HƯƠNG QUYỆN HỒN XƯA...

Hạo hạo Lăng Già nguyệt, Phân phân Bát Nhã liên.
Hà thì lâm diện kiến, Tương dữ thoại trùng huyền...


Tháng tư, tháng của mùa mưa...
Tháng tư, tháng của mùa sen nở...
Tháng tư, tháng của mùa hân hoan rước lễ Đản sinh...
Tháng tư, tháng của Ẩn Phương Cư mở hương sen mời khách ...
Giữa cái nắng oi nồng như muốn đốt cháy da người của ngày hạ, tôi nhận được lời mời của Hoàng Hoa Nữ Sĩ, về Ẩn Phương Cư thưởng chén rượu sen, nhấp chung trà đượm cùng nhau thả lòng miên man trong câu chuyện phiếm kiếp phù sinh. Lời mời nhẹ nhàng và dễ thương như hương sen đầu hạ, thoang thoảng chẳng nồng mà cột chặt khách cuồng nhân, xoa dịu hẳn đi cái nóng bên ngoài, dù rằng nắng hạ vẫn chói chang.
Lâu rồi không về lại Ẩn Phương Cư, trong lòng bỗng nhớ, nhớ chén hoàng hoa, nhớ cánh trà xanh biếc, nhớ tiếng đàn của người chị thân thương…Ai ngờ rằng khi trong lòng vừa dấy niệm, chị lại từ Đồng Tháp mang cánh sen thơm nồng về làm "cớ"  để hội ngộ tri âm...và cái "cớ" ấy bỗng chốc trở thành chất xúc tác, khơi gợi lên trong tôi những dòng miên man bất tận về một loài hoa ...
Sen, một cái tên bình thường quá đổi, nhưng lại là hiện thân của một cốt cách thanh cao, bao giai từ mỹ ngữ trải nghìn năm kim cổ, đâu chẳng qua cũng chỉ vì tôn vinh cốt cách của loài hoa ấy! 
Trong dân gian ta xưa nay vẫn ca ngợi hoa sen là giống hoa "gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn", nhưng đâu chỉ có vậy!
Thánh Tông nhà Lê từng đề ngự thi, không tiếc lời ca ngợi
Dìu dịu Lam Điền ngọc mới tương,
Hồ thanh, sắc ánh, mặt dường gương.
.................
Khách thơ hứng nghĩ hiềm chưa đủ,
Mười trượng hoa thì mười trượng hương.(1)
Liêm Pha Chu Đôn Di cũng từng nói trong Ái Liên Thuyết, khắp các loài hoa cỏ trên cạn và dưới nước, những loại đáng yêu nhiều không kể hết. Thời Tấn có Đào Uyên Minh riêng đem lòng mến cúc, nhưng tự Lý Đường lập quốc về sau, thiên hạ đua nhau yêu lấy mẫu đơn "水陸草木之花,可愛者甚蕃。晉陶淵明獨愛菊;自李唐來,世人盛愛牡丹Thủy lục thảo mộc chi hoa, khả ái giả thậm phồn. Tấn Đào Uyên Minh độc ái cúc, tự Lý Đường lai, thế nhân thậm ái mẫu đơn" (2). Song, Chu tiên sinh không vì thế mà đem lòng hòa tan chung cùng thế tục, riêng tận đáy lòng quyến luyến lấy hoa sen, bởi lẽ loài hoa ấy mọc lên từ bùn lầy mà không nhiễm, tắm mình trong sóng nước mà lại chẳng lẳng lơ, trong rỗng rang ngoài thì ngay thẳng, không dây không cành, hương ở xa lại càng thanh đượm, dáng đứng thẳng ngay giữ lòng trong sạch, có thể ở xa mà ngắm nhìn chứ chẳng thể cợt đùa "蓮之出淤泥而不染,濯清漣而不妖,中通外直,不蔓不枝,香遠益清,亭亭靜植, 可遠觀而不可褻玩焉liên chi xuất ô nê nhi bất nhiễm, trược thanh liên nhi bất yêu; trung thông ngoại trực, bất mạn bất chi; hương viễn ích thanh, đình đình tịnh thực, khả viễn quan nhi bất khả tiết ngoạn yên"(3). Phải chăng vì thế, mà ông không ngần ngại khẳng định, phẩm bình hoa sen chính là quân tử trong các loài hoa "liên, hoa chi quân tử giả dã蓮,花之君子者也" (4)và phải chăng cũng chính vì thế mà thành ra ít người đồng cảm như ông!
Có thể nói, cành sen dưới ngòi bút của Chu Liêm Khê đã trở thành hình ảnh biểu trưng của mẫu người quân tử qua mọi thời đại theo tiêu chuẩn của nhà Nho, đẹp nhưng hàm chứa một chút gì đó ngậm ngùi, bởi lẽ "yêu hoa cúc sau Uyên Minh ít nghe người nói đến, yêu hoa sen thời phỏng có mấy kẻ cùng ta, riêng mẫu đơn thì người say không kể hết 噫!菊之愛,陶後鮮有聞;蓮之愛,同予者何人;牡丹之愛,宜乎眾矣。Y! Cúc chi ái, Đào hậu tiển hữu văn; liên chi ái, đồng dư giả hà nhân? Mẫu đơn chi ái, nghi hồ chúng hĩ!" (5). Đậm nét đau đời của một bậc chân Nho "đa ưu hoạn"(5)!
Chẳng trách nào Tam Lư nước Sở thuở xưa đã từng muốn cắt lá sen làm áo, kết cánh sen làm xiêm “制芰荷以為衣兮,集芙蓉以為裳chế kị hà dĩ vi y hề, tập phù dung dĩ vi thường (6)  mượn hoa lá đấy làm nền cốt cách, gióng lên tiếng chuông tha thiết giữa đêm trường: cả đời say riêng mình ta tỉnh, cả đời đục riêng chỉ ta trong “舉世皆濁而我獨清,眾人皆醉而我獨醒 cử thế giai trọc nhi ngã độc thanh, chúng nhân giai túy nhi ngã độc tỉnh” (7).
Đóa phù dung bừng lên trên mặt nước, riêng do thiên nhiên đẻo gọt mà nên hình ấy, như đã quyện vào mình cả mảnh hồn kẻ sĩ, dấn thân vào đời để đau đáu mãi vì đời như Nguyễn Ức Trai xưa kia từng tự thán “cổ lai thức tự đa ưu hoạn” (8) vậy!
Sen, không phải cánh đào trần mận tục, không phải đóa mai cành trúc cô quạnh giữa gió đông, lại không phải câu kỷ tăng phòng, càng không phải cành mẫu đơn đất Lạc, vượt ra ngoài khóm cúc đông ly của Đào Nguyên Lượng, thoát tục siêu phàm khi so với nhành lan cửu uyển của Khuất Linh Quân (9), giữa thiên địa, riêng đoạt lấy sắc hương phẩm hạnh trong lòng tạo hóa!
Phải chăng vì phẩm hạnh ấy mà đóa hoa sen cũng đã bén duyên với cửa Phật đã bao đời...
Sen tính không ô nhiễm, lại có thể làm nước đục hóa trong, sống trong bùn không nhiễm mùi bùn, lên mặt nước phô hương khoe sắc nhưng lại không chiêu dụ bướm ong, thế mới biết phẩm hạnh loài hoa ấy có khác  gì tâm nguyện tự giác – giác tha, xông pha vào chốn bụi với tinh thần vô nhiễm của cổ đức xưa, thế nên.....
...bảy đóa sen xanh kết tình Thiện Huệ (10)...
...cánh trắng lung linh, đóa bạch liên cùng bạch tượng nhập Thánh thai (11)...
...bảy bước đi rung chuyển cả đất trời, chân tiếp đất sen vàng nâng gót ngọc (12) ...
...trên đỉnh Linh Sơn truyền trao chánh pháp, cành sen đưa cao Ca Diếp mỉm cười (13)...
Đóa hoa sen bước vào cõi Bụt, tinh khiết trong ngần đẹp đến lung linh

Hạo hạo Lăng Già nguyệt,
Phân phân Bát Nhã liên...
月,
蓮。
(Trăng Lăng Già vằng vặc,
Sen Bát Nhã ngạt ngào) (14)
Vầng trăng Lăng Già – hương sen Bát Nhã, ngọn bút của Thái Tôn nhà Lý thật xuất thần khi đề thơ truy tặng Thiền sư Tỳ Ni Đa Lưu Chi ở chốn Tổ Pháp Vân.
Bát Nhã là trí tuệ, sen Bát Nhã – đóa sen trí tuệ, trí tuệ viên dung vô nhiễm vô cầu, từ chốn bùn tanh vươn lên kết đóa, để hương lòng quyện vào tâm Phật khắp mười phương
Thu quang hắc bạch tùy duyên sắc,
Liên nhị hồng hương bất trước nê
泥。
(Thu sắc tùy duyên khi đen trắng,
Sen hồng vô nhiễm nhị thơm hương). (15)
Thế mới hiểu tại sao Thượng sĩ Tuệ Trung đối chúng trực chỉ  
Dục tri thân dữ Phật,
Chủng ngẫu xuất hồng liên
佛,
蓮。
( Muốn biết thân cùng Phật,
Trồng ngó nảy sen hồng) (16)
Chỉ loài hoa ấy, không nhiễm đã đành lại còn lọc nước, khiến nơi sinh ra bỗng hóa ngạt ngào
Thanh sơn đê xứ kiến thiên khoát,
Hồng ngẫu khai thời văn thủy hương
闊,
香。
 (Từ nơi non thấp trông trời rộng,
Sen kết mặt hồ nước hóa thơm). (17)
Chợt nghe chuông Bát Nhã thấu cả cõi mê tình, trống Lôi Âm vang rền thiên địa khi Thế Tôn đưa bàn tay báu, nâng cao cành sen trên pháp hội Linh Sơn của nghìn năm trước:  
Thế Tôn niêm khởi nhất chi hoa
Ca Diếp kim triêu đắc đáo gia
Nhược vị thử vi truyền pháp yếu
Bắc viên thích Việt lộ ưng xa.
花,
家。
要,
賒。
(Thế Tôn nâng nhẹ một cành hoa,
Ca Diếp sáng nay đến được nhà.
Nếu bảo đấy là truyền pháp yếu,
Đường Nam xe Bắc lối càng xa...) (18)
Nhấp chén rượu sen, cảm cả hương Thiền, muôn vạn não phiền bỗng nhiên dứt bặt, lời thơ xưa của Ngài Thượng Sỹ chợt hiện tiền ngay một niệm xưa nay:
Tu tri thế hữu nhân trung Phật,
Hưu quái lô khai hỏa lý liên...
佛,
蓮。
(Đã biết trong đời hằng có Phật,
Lạ gì lửa đỏ kết hoa sen...) (19)
Chén rượu miên man hương tràn ba cõi, Nho đã hay Phật lại càng hay, một đóa hoa hương kết mây ngàn vạn kiếp, trước mang vào trà đã tuyệt, nay phổ rượu càng xinh!
Ôi! loài hoa ấy:
"Vay đời một chút bùn tanh,
Ươm hương trả lại tinh anh cho đời..." (20)
Hương sen loang ngào ngạt, bút hạ góp chút tình, gửi tặng khách ba sinh, gọi chút quà sơn dã...

                                  Dã Hạc Cư mùa Phật Đản năm Nhâm Thìn
                                          Ngu đệ Lê Ngọc Đình cung kính viết tặng Hoàng Hoa tỷ


* Chú thích:
(1) Bài thơ Hoa Sen Non của hoàng đế Lê Thánh Tông.
(2)(3)(4)(5) Ái Liên Thuyết -  Chu Đôn Di.
(6) Ly Tao - Khuất Nguyên
(7) Ngư Phụ - Khuất Nguyên
(8) Mạn hứng, số 61 – Nguyễn Trãi
(9) Ngọc Tỉnh Liên Phú – Mạc Đĩnh Chi
(10) Tiền thân Phật Thích Ca
Ở một đời quá-khứ xa xưa, thuộc kiếp Trang-Nghiêm (Vyuha-kalpa),  có Thái-tử tên là Samantaprabhasa (Phổ-Quang) con vua Arcimat (Ðăng-Chiếu), xin phép vua cha vào núi Himalaya tìm thầy học đạo, lấy hiệu là Sumedha (Thiện-Huệ). Ngài theo học với nhiều vị đại sư, cầu đạo cao thượng, nhưng lòng chưa thỏa mãn. Một hôm Sumedha đấu lý với 500 ngoại-đạo được toàn thắng, được thưởng 500 đồng tiền vàng. Sumedha vui mừng từ-giã thầy, mang tiền lên đường tìm đến cúng Phật Dipankara (Nhiên-Ðăng) đang cư trú tại thủ đô Divapati. Giữa đường gặp một cô gái (tiền thân của công chúa Yasodhara) đang đi, tay cầm bảy hoa sen màu xanh vừa thơm vừa đẹp, chàng liền hỏi mua. Nhưng cô gái đáp: "Tôi mang hoa cúng Phật, đâu có bán mà ông hỏi mua". Sumedha (Thiện-Huệ) đưa ra 500 đồng tiền vàng, năn-nỉ xin mua năm hoa sen để cúng Phật, nhưng cô gái vẫn đứng làm thinh, không đáp. Túng thế, chàng nói:
- Cô cúng dường hai bông cũng được rồi. Tôi từ xa đến đây, mong được hoa sen quý báu này để cúng Phật Dipankara và xin học hỏi giáo lý cao thượng của ngài. Xin cô thông cảm nhường lại cho tôi năm bông đi; rồi cô muốn gì tôi cũng làm theo.
- Anh ơi, cô gái ửng hồng đôi má, đứng nhìn xuống đất, rụt rè nói. Không biết sao vừa trông thấy anh thì em đem lòng thương anh liền hà. Em muốn tặng không cho anh năm bông sen này để anh cúng đức giác ngộ. Nhưng anh phải hứa với em là anh chịu cưới em làm vợ trong kiếp này và mãi mãi về sau.
- Cô ơi, Sumedha đáp. Cô là người rất dễ mến và rất chân thật. Vừa gặp cô tôi cũng có cảm tình với cô ngay. Nhưng tôi đã phát tâm cầu đạo giải thoát. Nếu cưới vợ thì bị ràng buộc, làm sao tôi có thể xuất gia tầm đạo !?
- Anh cứ hứa với em đi. Rồi sau này mỗi khi anh muốn xuất gia thì em cam kết sẽ không ngăn cản mà còn tìm cách giúp anh thực hiện được hoàn toàn chí nguyện.
Nghe cô gái nói như thế, Sumedha (Thiện-Huệ) miễn cưỡng nhận lời.
Rồi hai người tìm tới nơi đức Phật Dipankara (Nhiên-Ðăng) đang ngự. Quần chúng đông đảo đang vây quanh đức Phật. Có cả vua và quần thần đến làm lễ dâng hoa cúng Phật. Sumedha và cô gái cố len lỏi đến gần, nhưng còn khoảng hai mươi bước nữa thì họ không tài nào tiến lên được nữa. Sumedha rất sung sướng được nhìn thấy Phật Dipankara tận mắt. Bỗng nhiên chàng cảm thấy tinh thần sảng khoái lạ thường. Chàng phát nguyện sẽ cố gắng tu học cho đến khi được hoàn toàn giác ngộ như ngài. Chàng chí thành tung năm hoa sen của mình lên không trung để cúng dường Phật theo thông lệ lúc bấy giờ. Năm hoa sen được tung lên không trung bỗng biến thành năm đài sen lớn trang nghiêm rực rỡ, lơ lửng giữa không gian. Cô bạn gái trao cho chàng hai hoa sen của cô, nhờ dâng cúng dùm. Chàng lại chí thành tung lên không trung cúng dường Phật. Hai đóa sen này hiện thành hai đài sen lớn đứng ở hai bên Phật. Trước sự ngạc-nhiên của đại chúng, đức Phật Dipankara hoan-hỷ giải-thích sở dĩ có sự kỳ-diệu như thế là do tâm vô cùng thanh-tịnh và thành kính của người cúng dường. Rồi Phật gọi Sumedha (Thiện-Huệ) và cô gái đến bảo:
- Ông là người có nhiều thiện căn, hãy ráng tinh tấn tu hành sẽ đạt được đạo quả lớn. Còn cô này cũng có thiện duyên với ông, nhưng cô nên tôn trọng lời hứa, nên khuyến khích chứ không nên ngăn cản bạn cô xuất gia tu học.
Từ đó Sumedha theo Phật Dipankara học đạo, về sau thọ bồ-tát giới và tỳ-kheo giới. Sumedha cố gắng tinh-tấn tu hạnh Bồ-tát. Một hôm đức Phật Dipankara đi từ tinh xá Sudassana đến thành phố Ramma, giữa đường gặp chỗ đất lầy, Bồ-tát Sumedha liền cởi áo đương mặc mà trải lên chỗ dơ ướt, nhưng còn hụt một chút không biết làm sao, ông bèn xả tóc lót thêm cho Phật đi qua khỏi lấm chân. Nhận thấy Bồ-tát Sumedha sẽ thực hành đầy đủ 10 thánh hạnh nên đức Phật thọ-ký cho ông sẽ thành Phật hiệu là Sakyamuni (Thích-Ca Mâu-Ni) trong đời Hiền-kiếp (Bhadra-kalpa). (theo Minh-Thiện Trần-Hữu-Danh trong Sự tích Đức Phật Thích-Ca Mâu-Ni)
(11) Truyền thuyết, hoàng hậu Maya từng nằm mộng thấy voi trắng sáu ngà ngậm cành sen trắng mà nhập thai.
(12) Truyền thuyết, khi thái tử Sĩ Đạt Ta vừa hạ sinh, chân vừa chạm đất liền nở sen vàng đỡ lấy.
(13) Niêm hoa vi tiếu (zh:拈花微笑, j: nenge-mishō) nghĩa tiếng Việt: cầm hoa mỉm cười đây là một giai thoại thiền, ghi lại sự kiện Đức Phật Thích-ca Mâu-ni đưa cành hoa lên khai thị, tôn giả Ca Diếp phá nhan mỉm cười.
(14) Truy tán Pháp Vân tự Tì-ni-đa-lưu-chi thiền sư – Lý Thái Tông
(15) Thị Chúng – Tuệ Trung Thượng Sỹ
(16) Tụng Cổ - Tuệ Trung Thượng Sỹ
(17) Phổ Khuyến Phát Bồ Đề Tâm – Trần Thái Tông
(18) Khóa Hư Lục – Trần Thái Tông
(19) Thượng Phước Đường Tiêu Dao Thiền Sư – Tuệ Trung Thượng Sỹ
(20) Thơ Lê Ngọc Đình



7 CommentsChronological   Reverse   Threaded
bgchild wrote on May 15
Sen tính không ô nhiễm, lại có thể làm nước đục hóa trong, sống trong bùn không nhiễm mùi bùn, lên mặt nước phô hương khoe sắc nhưng lại không chiêu dụ bướm ong, thế mới biết phẩm hạnh loài hoa ấy có khác  gì tâm nguyện tự giác – giác tha, xông pha vào chốn bụi với tinh thần vô nhiễm của cổ đức xưa
Tôi thích đoạn văn này


tam
sondacuongnhan wrote on May 15
@bgchild: dạ, cảm ơn bgchild đã ghé sang Dã Hạc Cư lưu lời khích lệ!
bgchild wrote on May 15
:-)
hanhfuclangthang wrote on May 15
sen bây chừ nhiều loài lắm, nhưng vẫn yêu nhứt màu sen quê nhà được nhìn từ thưở nhỏ
sondacuongnhan wrote on May 15
sen bây chừ nhiều loài lắm, nhưng vẫn yêu nhứt màu sen quê nhà được nhìn từ thưở nhỏ
dạ, Đình cũng thế, thích cái nhẹ nhàng thoáng đơn giản của đóa sen quê! cảm ơn anh đã đồng cảm chia sẻ!
mailamnhatruc wrote on May 16
TĐằng Chờ đọc từ hôm Chị VTran nói Thầy Đình có bài văn viết về hoa sen.
Đến hôm nay mới thoả lòng!
Bài viết rất tuyệt!
sondacuongnhan wrote on May 16
TĐằng Chờ đọc từ hôm Chị VTran nói Thầy Đình có bài văn viết về hoa sen.
Đến hôm nay mới thoả lòng!
Bài viết rất tuyệt!
mấy dòng nhăn cuội, khiến Tử Đằng cười chê rồi!
Add a Comment
   

Viewing History

Viewed 17 times by 10 people, latest on Sep 29Viewing HistoryView This Page as Another User

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét