tản mạn MỘT NHÀNH MAI... | for everyone |
Mấy
hôm nay trời se lạnh, dường như đã vào đông rồi ! Cái lạnh giữa lòng
Nam Bộ không là gì so với cái rét của xứ Bắc Hà, nhưng dù sao nó cũng có
chút gì đó thay đổi, cũng có chút gì đó tạm gọi là dấu hiệu giao mùa
giữa vùng đất quanh năm chỉ hai mùa mưa nắng.
Giữa khí trời ấy, buổi sớm không tranh thủ làm một ấm trà thì tiếc quá !
Nước
vừa sôi, tráng ấm tử sa, ủ hương trà Bắc, chén trà Mộc Châu xanh sắc
rêu non say lòng khách tục, lòng chợt lâng lâng như hoán cốt lên tiên dù
rằng mình vẫn còn ngồi nơi bến tục. Trầm nhẹ đưa hương, trà vừa thấm
vị, lần mở cảo thơm, soi gương thiền sử, kẻ phàm trần như muốn tìm chút
dư hương “thiền trà nhất vị” của thánh triết hiền nhân.
Trà
vừa đôi chén, hồn phách đã như lạc tận nước Nhược non Bồng, dõi mắt ra
song như để trút mảnh hồn tan vào hư vô bất tận. Chợt ngoài lớp song
thưa, mai già báo hỉ dẫu rằng Xuân vẫn chưa sang, chắc có lẽ mấy hôm nay
trời lạnh nhiều nên một vài cánh mai sớm ươm hương xé nụ, cười giữa gió
đông, đẹp quá ! Lòng bất chợt nhớ đôi câu thơ của Thầy Hoàng Bá Hy Vận :
不是一番寒彻骨
怎得梅花扑鼻香
Bất thị nhất phiên hàn triệt cốt
Chẩm đắc mai hoa phốc tỷ hương.
Chẳng phải một phen sương lạnh buốt
Hoa mai đâu dễ ngửi mùi hương.
Nói
đến hoa mai là nói đến cái cốt cách ngạo tuyết, cợt sương để đưa hương
theo gió. Có phải chăng vì cái tính hiên ngang bất khuất pha chút ngạo
đời ấy mà tự cổ chí kim, đã làm phí đi không biết bao nhiêu bút mực và
tâm tư của tao nhân mặc khách. Từ ý tứ giữa câu thơ cho đến nét thần
trong đường bút, ai ai cũng như muốn phác hoạ nên cái cốt cách thanh cao
của cành mai mùa rét. Thiếu niên Hoàng Giáp Thân Quốc Công Nguyễn Trung
Ngạn (1289 – 1370) danh thần phù trợ Trần triều đâu chẳng từng lưu lại 2
câu thơ thần :
野梅骨骼原非俗
海鹤风姿自不群
Dã mai cốt cách nguyên phi tục,
Hải hạc phong tư tự bất quần.
Cốt cách mai rừng không phải tục,
Phong tư hạc biển vượt xa bầy
Còn gì hơn thế nữa chăng ?! Đẹp quá và cũng thanh cao quá ! Quả thật là như Vương Kỳ đã nói :
不受尘埃半点侵,
竹篱茅舍自甘心。
只因误识林和靖,
惹得诗人说到今。
Bất thụ trần ai bán điểm xâm,
Trúc li mao xá tự cam tâm.
Chỉ nhân ngộ thức Lâm Hoà Tĩnh,
Nhược đắc thi nhân thuyết đáo câm
Bụi trần chẳng chút vướng vào thân
Giậu trúc nhà tranh tự dự phần
Cũng bởi nhầm quen Lâm Hòa Tĩnh
Thi nhân từ đấy bút lưu thần
Cái
cốt cách ấy, khi thì như một đại tướng quân hiên ngang dũng mãnh, phá
tuyết nghênh sương để đưa hương tô cốt cách mà không phải loài hoa nào,
giống cây cỏ nào cũng có thể làm được. Bởi thế, trong tác phẩm trứ danh
“Hồng Lâu Mộng” Tào Tuyết Cần thác lời nhân vật để ca ngợi hoa mai trong
bài “Vịnh Hồng Mai Hoa”:
桃未芳菲杏未红,
冲寒先已笑东风。
Đào vị phương phi hạnh vị hồng,
Xung hàn tiên dĩ tiếu đông phong.
Đào chửa thơm hương hạnh chửa hồng,
Đã xông gió rét cợt đông phong.
Mỗi từ, mỗi câu cứ khiến cho người ta rơi vào trạng thái lâng lâng khó tả. “Xung hàn tiên dĩ tiếu đông phong”
hình tượng mới đẹp làm sao, nhắm mắt lại để câu thơ ngân nga phác hoạ
ra trong tâm trí hình ảnh của một chàng Triệu Tử Thường Sơn thuở nào nơi
chiến trường nhất nhân nhất mã ngang dọc tung hoành, rồi để khi trở về
vinh quang toả sáng trên đầu ngọn giáo, giữa mảnh chiến bào!
Nhưng
cũng cái cốt cách ấy, có khi khiến cho người ta liên tưởng tới một vị
thanh quan “lưỡng tụ thanh phong” cả đời liêm khiết, nhưng với khí tiết
phù chánh trừ tà, không uốn lưng vào luồn ra cúi. Trên từng cách hoa,
từng làn hương thoảng đưa theo gió, ta lại liên tưởng tới Đào Uyên Minh,
Bao Thị Chế hay Hải Thanh Thiên “phú quý bất năng dâm, bần tiện bất năng di, uy vũ bất năng khuất”
雪虐风号愈凛然,
花中气节最高坚。
Tuyết ngược phong hiệu dũ lẫm nhiên
Hoa trung khí tiết tối cao kiên.
Tuyết lớn gió to càng dũng mãnh
Trong muôn hoa khí tiết lưu danh.
Hay :
东风才有又西风,
群木山中叶叶空。
只有梅花吹不尽,
依然新白抱新红。
Đông phong tài hữu hựu tây phong,
Quần mộc sơn trung diệp diệp không.
Chỉ hữu mai hoa xuy bất tận,
Y nhiên tân bạch bão tân hồng.
Gió đông vừa chớm gió tây qua
Lá rụng, non trơ những gốc già,
Riêng chỉ mai là không thể hết
Đoá hồng đoá trắng mấy lần hoa.
Và
có phải chăng vì thế mà Trúc Lâm Thiền Phái đệ tam tổ sư Huyền Quang
tôn giả đã đưa hoa mai lên hàng Ngự Sử đại phu, chuyên trách can gián
nhà Vua tránh đi vào con đường lầm lỗi :
Ngự sử mai, hai hàng chầu chắp,
Trượng phu tùng, mấy rặng phò quanh.
Quả
là một hình ảnh mới cho hoa mai, khoác áo công khanh dự bước vào triều
đàng cùng bàn quốc sự, tuy vậy mà vẫn không bị gấm vóc chốn vương hầu
làm phai mờ đi cốt cách và khí tiết thanh cao, đúng như lời nhận xét của
Vương An Thạch “Lăng hàn độc tự khai” !
Mà
đâu chỉ ca ngợi thôi, mặc khách thi nhân đâu đã chẳng từng đạp nát trời
kim cổ, lướt tuyết mạo phong chỉ vì cầu lấy một cành mai. Chẳng phải
thế ư ? Cao Chu Thần một đời ngạo nghễ, coi công hầu như gió thoảng bên tai, văn chương thi phú đến cả Nguyễn triều Dực Tông Hoàng Đế Tự Đức còn phải ban ngự thi khen ngợi hết lời “Văn như Siêu Quát vô tiền Hán” vậy mà khi đứng trước hoa mai cũng phải cúi đầu trước cái khí tiết thanh cao, cái cúi đầu mà ông xem là cả đời chỉ có một :
十载论交求古剑
一生低首拜梅花
Thập tải luận giao cầu cổ kiếm,
Nhất sinh đê thủ bái mai hoa.
Mười năm mòn gót cầu kiếm cổ
Một đời chỉ cúi lạy hoa mai.
Mà
đâu chỉ thế, Tào Tuyết Cần còn cam tâm tình nguyện lên tận cung Quảng
Hàn, nguyện làm ăn mày chỉ để xin lấy một cành mai dưới thềm của Thường
Nga :
不求大士瓶中露,
为乞嫦娥槛外梅。
Bất cầu Đại Sĩ bình trung lộ,
Vi khất Thường Nga hạm ngoại mai.
Chẳng cầu cam lộ bình Bồ Tát
Chỉ nguyện nhành mai cửa Ả Hằng.
Vẻ
đẹp cùng với sắc hương tịnh khiết đặc biệt của hoa mai lắm khi khiến
nguời ta liên tưởng đến một thiếu nữ phòng khuê hương trời sắc nước
khiến lòng người quân tử trộm nhớ thầm yêu :
我爱梅花兼爱月
一梅一月两佳人
Ngã ái mai hoa kiêm ái nguyệt,
Nhất mai nhất nguyệt lưỡng giai nhân.
Ta rất yêu mai lại yêu trăng
Mai, trăng hai khách đẹp tuyệt trần
Đây
cũng là một nét hay của cành mai muôn thưở. Nếu người xưa xem tùng,
trúc là trượng phu quân tử, xem liễu là má phấn quần thoa thì đoá mai
kia lại có lúc mang hình tướng của tu mi nam tử, nhưng không ít khi lại
hoá thân thành thiếu nữ phòng khuê, nên đã từng có ý cho rằng, phải
chăng hoa mai chính là hiện thân của Đức Quán Thế Âm trong loài thảo
mộc?! Mà cũng dễ hiểu thôi, bởi lẽ mai không những giống cành trúc gốc
tùng ở cái khí tiết, hơn thế nữa mai còn có điểm nổi trội hơn hai người
bạn mùa đông đó là sắc và hương. Nếu không thế thì Lâm Bô Lâm Hòa Tĩnh
(967-1028) một hiền sĩ ở Cô Sơn thời Tống đã không “cưới mai làm vợ nuôi hạc làm con” mà sau này đại thi hào Nguyễn Du cũng đã đồng cảm, men lại dấu xưa :
Nghêu ngao vui thú yên hà
Mai là bạn cũ, hạc là người quen.
Ngay cả như Nguyễn Trãi cũng học lấy Lâm Bô kết bạn cùng mai, xem đó là tri kỷ :
Xuân đến hoa nào chẳng tốt tươi
Ưa mi vì tuyết sạch hơn người
Gác đông ắt đã từng làm khách
Há những Bô Tiên kết bạn chơi ?
Dường
như, lúc nào người tri kỷ ấy cũng kề vai sát cánh cùng ông như chưa
từng có một phút giây xa rời bằng những hình ảnh hiện lên thật đẹp trong
“Ngôn Chí”:
Trà mai đêm nguyệt dậy xem bóng,
Phiến sách ngày xuân ngồi chấm câu.
Hay :
Quét trúc, bước qua lòng suối
Thưởng mai, về đạp bóng trăng.
Và chính bản thân Nguyễn Trãi cũng đã bộc bạch tình yêu ấy của ông trong “Đề Hoàng Ngự sử mai tuyết hiên” :
爱梅爱雪爱缘何?
爱缘雪白梅芳洁
Ái mai ái tuyết ái duyên hà ?
Ái duyên tuyết bạch mai phương khiết.
Yêu mai yêu tuyết do đâu ?
Yêu do sắc tuyết, do mùi hương mai.
Chính
vì tình yêu tha thiết ấy đối với hoa mai, nên những khi trên bước đường
lưu lạc, lúc nào đó vô tình hạnh ngộ khách đồng hương từ quê tới, hoa
mai lại có dịp xuất hiện trong lời hỏi thăm như một người thân bao năm
cách trở :
君自故乡来,
应知故乡事。
来日绮窗前,
寒梅著花未?
Quân tự cố hương lai,
Ưng tri cố hương sự.
Lai nhật khởi song tiền,
Hàn mai trước hoa vị.
Anh từ quê hương đến,
Chắc biết chuyện quê hương
Trước cánh rèm ngày ấy,
Hàn mai nở hoa chưa ?
Chẳng
hỏi người thân cũng không hỏi gia cảnh, chỉ hỏi cành mai bên song năm
cũ, vậy mà Vương Duy đã làm nhói lòng lớp lớp hậu thế mãi ngàn sau !
Ôi,
điểm qua di cảo của tiền nhân mới thấy sức cuốn hút mãnh liệt của một
cành mai mỏng manh trong gió tuyết. Năm lại tháng qua, thời gian tích
luỹ, lời thơ tiếng nhạc ca ngợi đoá hoa mai sắc thanh hương đượm ấy vẫn
không cạn nguồn. Một gốc xù xì mươi cành mảnh khảnh, một cánh hoa mỏng
một làn hương đưa, bình thường quá nhưng sao cũng phi thường quá :
寒夜客来茶当酒,
竹炉汤沸火初红。
寻常一样穸前月,
才有梅花便不同。
Hàn dạ khách lai trà đương tửu,
Trúc lô thang phí hoả sơ hồng
Tầm thường nhất dạng song tiền nguyệt
Tài hữu mai hoa tiện bất đồng.
Trà thay chén rượu giữa đêm đông,
Tiếp khách, nước đun lửa mới hồng
Vẫn mảnh trăng xưa ngoài song cũ,
Thêm nhành mai chợt ý thêm nồng.
Quả
là cái tầm thường làm nên sự phi thường, chỉ một nhành mai thôi mà làm
cho khung cảnh bình thường trở nên có một sức hút đến lạ, là ngòi bút
của Vương Duy quá tài tình?! Là cốt cách của cành mai xưa quá thanh cao
tịnh khiết?! Hay chính do lòng Thi Phật đã quyện
cùng hồn hoa Quân tử, hoa và người đã nhập lại thành chung để rót tình
trên đầu ngọn bút cho lưu xuất thơ thần ?!
Và
có nên chăng khi ta cũng hiểu rằng, Mãn Giác thiền sư đã vì cái phi
thường ẩn chứa trong vóc dáng bình thường của hoa mai, nên đã mượn hình
ảnh ấy để truyền tải một yếu chỉ cao thâm nơi chốn Thiền môn Phật cảnh:
春去白花落
春到百花开
事逐眼前过
老从头上来
莫谓春残花落尽
庭前昨夜一枝梅
Xuân khứ bách hoa lạc
Xuân đáo bách hoa khai
Sự trục nhãn tiền quá
Lão tùng đầu thượng lai
Mạc vị xuân tàn hoa lạc tận
Đình tiền tạc dạ nhất chi mai.
Xuân đi trăm hoa rụng,
Xuân đến trăm hoa cười
Việc trước mắt trôi mãi
Trên đầu già đến rồi
Chớ bảo xuân tàn hoa rụng hết
Đêm qua sân trước một nhành mai.
Kinh
bảo núi Tu Di nhét vào hạt cải, nay Thiền sư mang ba ngàn thế giới đặt
cả trên cánh hoa mai. Sinh là đây, tử là đây và giải thoát cũng là đây !
Yếu chỉ uyên nguyên, thâm sâu diệu vợi, ai thầm nhận được tức đã vô cửa
Thiền sư! Ôi vi diệu làm sao “đêm qua sân trước một nhành mai”!
Thế
mới thấy, dưới ngọn bút văn nhân danh tướng ôm lòng nhập thế hay xuất
tục thoát trần như một Thiền sư, cành mai vẫn lung linh ngàn năm không
băng hoại, gieo vào lòng người một nét đẹp ngọc khiết băng thanh. Ngắm
mai sớm, nhấp chung trà,
vén cỏ đôi bờ tầm vết tiền nhân thuở trước, lòng kẻ hậu sinh không khỏi bồi hồi, bất chợt dấy lên cảm xúc :
Đêm đông gió lộng suốt canh dài,
Đối nguyệt hồn như đã nhuốm say !
Tức cảnh muốn theo người năm cũ,
Một phen đạp tuyết để tìm mai !
Đối nguyệt hồn như đã nhuốm say !
Tức cảnh muốn theo người năm cũ,
Một phen đạp tuyết để tìm mai !
Ơi hỡi tiền nhân nét bút xuất thần nào đã phác hoạ, hỡi mai hoa một cuộc đời tịnh khiết, được văn nhân bầu bạn đến bao đời !
Gió đông chớm dậy, và ta lại học người xưa cúi đầu trước một loài hoa……
Daõ Haïc Cö muøa ñoâng naêm Kyû Söûu
Sôn daõ cuoàng nhaân Leâ Ngoïc Ñình baùi buùt
daquynhhuong wrote on Nov 27, '09, edited on Nov 27, '09
"Đông chưa tàn Xuân như đã tới
Rực rỡ mai vàng khoe sắc lả lơi" Tặng nhà nho 2 câu thơ chợt nghĩ ra để tỏ lòng ngưỡng mộ. |
sondacuongnhan wrote on Nov 27, '09
@daquynhhuong
: Đình cảm ơn chị đã ghé Dã Hạc Cư chia sẻ cùng Đình một cảm xúc đầu
đông, Đình rất vui ! cảm ơn hai câu thơ ứng khẩu của chị, Đình sẽ mãi
trân trọng, nhưng thật là Đình không dám nhận 2 từ "ngưỡng mộ" đâu ạ,
chị nói thế Đình tổn đức chết !
kính chúc chị một ngày cuối tuần thật vui ! |
sondacuongnhan wrote on Dec 5, '09
@duongthan
: cháu cảm ơn chú đã dành chút thời gian sang thăm và đọc bài cháu
viết, tiếc rằng kiến thức còn nông cạn tuổi đời chưa bao nhiêu nên để
chú phải chê cười.
Kính chúc chú sức khoẻ và niềm vui trong cuộc sống. |
sondacuongnhan wrote on Dec 7, '09
@duongthan : ôi, cháu cảm ơn Chú, đẹp quá đi !
|
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét