DUYÊN TRI NGỘ | for everyone |
Cung kính dâng Đức Ân sư
Việt nhạc chi bảo Trần Văn Khê tiên sinh
Còn
nhớ cách đây 4 năm, mùa thu năm 2005, khi ấy đang dạy ở trường Hoa ngữ
Quốc tế. Trong lớp có cô học trò rất lạ, tính tình nhu mì lại ít nói.
Một hôm, sau khi tan lớp, cô ấy tới hỏi tôi “em nghe trong khi giảng bài
thầy hay nhắc tới Giáo sư Trần Văn Khê, không biết thầy đã có đọc hồi
ký của Giáo sư chưa?”. Tôi cười trả lời rằng “tôi quý thầy Khê từ khi
nghe Thầy nói chuyện trên TV về âm nhạc lúc tôi còn rất bé độ khoảng
trên 10 tuổi, dù chưa một lần gặp mặt nhưng tôi luôn xem mình là người
học trò nhỏ của Thầy. Khi tôi còn là sinh viên năm thứ 3, Giáo sư có đến
trường tôi nói chuyện, lần ấy là lần đâu tiên tôi thấy Thầy bằng xương
bằng thịt sau mười mấy năm mơ ước, ngồi hàng ghế dưới cùng nghe Thầy nói
chuyện mà tôi phấn khích quá, ko kềm chế được vỗ tay liên tục đến nỗi
người kế bên than phiền, chắc họ nghĩ tôi điên! Lần ấy, nhà xuất bản
cũng nhân dịp ấy giới thiệu hồi ký của Thầy, thích lắm, nhưng cái thuở
ấy đời sinh viên con không đủ no lấy đâu ra tiền mà mua 1 bộ hồi ký năm
quyển, thế là mãi tới bây giờ vẫn chưa có duyên để đọc, tôi chỉ biết
Thầy qua những bài báo do tôi sưu tầm thôi”. Thế là cô học trò tôi cười
và nói với tôi “dạ được, buổi sau em sẽ mang cho thầy mượn, em có một
bộ”.
Buổi
sau, đúng như lời hứa, cô học trò của tôi mang cho tôi mượn bộ hồi ký
của Giáo sư Trần Văn Khê, tôi mang về nhà đọc ngấu nghiến cả đêm, càng
đọc tôi càng thấy thương, thấy ngưỡng mộ, chẳng biết nói sao cho vừa với
con người kiệt xuất này cả, tôi thật sự xúc động. Trong đầu tôi loé lên
một ý tưởng – viết thư cho Giáo sư, chỉ đơn giản là bày tỏ sự ngưỡng mộ
của tôi với Thầy thôi !
Bức
thư được viết ngay sau khi tôi đọc xong bộ hồi ký của Thầy. Sau đó tôi
nhờ em gái tôi tìm giúp tôi địa chỉ của Thầy bên Pháp, vì lúc ấy thầy
chưa về Việt Nam. Mấy hôm sau, em tôi mang về cho tôi một thông tin còn thú vị hơn bắt được vàng nữa “Thầy Khê đang ở Saigon,
thư của anh nên gửi fax cho Thầy”, thế là bức thư được gửi đi. Nói thật
lòng, lúc ấy tôi chỉ nghĩ là tôi thích và làm theo sở thích, chứ tôi
không mong là Thầy sẽ chú ý, vì Thầy hiện là một bậc học giải uyên thâm
không chỉ trong nước mà cả trên mấy chục quốc gia khác nữa. Chính vì vậy
nên tôi quên ngay việc ấy đi, chỉ biết rằng tôi đã thực hiện xong niềm
đam mê của mình.
Nhưng
sự thật lại quá bất ngờ, hai ngày sau, khi tôi đang thăm một đứa cháu
trong bệnh viện thì chông điện thoại của tôi vang lên, tôi vừa nghe máy
nghe hai tiếng “alô” từ đầu dây bên kia là tôi sửng sốt ngay, tiếng của
Thầy Khê, trời ơi là Thầy Khê gọi cho tôi, một đại học giả, đại trí
thức, bậc đại tông sư đương đại gọi điện thoại cho tôi ! Tôi hốt hoảng
đến lặng người, một lúc sau tôi mới ú ớ trả lời lại, Thầy tự giới thiệu
và nói rằng “Thầy đã đọc bức thư của em, thầy cảm động lắm, Thầy muốn
gặp em vào lúc 9g sáng thứ năm tuần này tại khách sạn Saigon, không biết
em có thời gian không?!”. Trời ơi, đến mơ tôi còn không dám mơ nữa là!
Tôi hứa với Thầy tôi sẽ đến, đêm thứ 4 tuần ấy tôi thức trắng đêm vẽ bức
tranh hoa sen và viết bức thư pháp với 2 chữ “Phật tâm” để tặng Thầy.
Sáng hôm sau, do tiệm photo copy mở cửa trễ, tôi lại chờ lấy bản sao tập
luận văn tốt nghiệp của tôi để tặng Thầy nên đến muộn, thư ký của Thầy
gọi điện hối chúng tôi vì rằng chúng tôi chỉ có 30 phút để hầu chuyện
với Thầy Khê, vì rằng còn có người khác cần gặp Thầy. Thế là sau khi lấy
được tập luận văn, tôi chạy như bay đến khách sạn để gặp Thầy.
Và
rồi, khi cánh cửa mở ra, người Thầy mà tôi ngày đêm mong được một lần
gặp mặt đã ngồi đấy ung dung hiền hoà như một vị Tiên bằng da bằng thịt
hiện ra trước mắt tôi trong bộ bà ba lụa màu đen, Thầy ôm hôn và bảo
chúng tôi ngồi hầu chuyện với Thầy.
Thầy
mở đầu câu chuyện “đọc thư của con xong Thầy rất xúc động, xúc động khi
nghe con nói con thèm một cây đờn tranh từ khi còn rất bé, mỗi ngày 2
buổi khi đi học ghé tiệm bán đờn nhìn cây đờn rồi mới lên lớp, khi tan
học lại ghé nhìn cây đờn rồi mới về nhà, mãi cho đến khi cây đờn bị
người ta mua mất, hôm nay lần đầu tiên Thầy gặp con, Thầy sẽ toại nguyên
cho ước mơ đó của con”, nói rồi Thầy bảo thư ký mang cây đờn tranh Thầy
đã chuẩn bị từ lúc nào trao cho tôi, thầy dạy : “cây đờn này ko phải là
tệ lắm, nhưng cũng không phải là tốt lắm, có thể giúp con học và chơi
đờn được. Nhưng bây giờ tuổi Thầy đã cao, tai điếc rất nặng, tay lại bị
đau khớp không đàn được nên không thể dạy cho con, con nên tìm một người
nào đó hứa dẫn, tập được bao nhiêu thì hay bấy nhiêu”. Tôi nhận cây đàn
tranh còn thơm mùi gỗ mới từ Thầy mà lúc xúc động đến không nói được gì
ngoài hai tiếng cảm ơn.
Thế
rồi tôi và Thầy nói chuyện với nhau, Thầy kể cho tôi nghe nhiều điều
rất thú vị từ những chuyến đi thực địa của Thầy, rồi Thầy lại hỏi về gia
cảnh, về việc học của tôi, tôi thưa chuyện cùng Thầy mãi tới khi nhìn
đồng hồ thì đã gần 11g trưa, trời ạ, nó đã hơn thời gian dự kiến hơi
bị…….. nhiều! Thầy cười nói, hôm nay vui quá, nói chuyện quên mất cả
thời gian, nhưng nếu con không bận thì khoan hãy về, con nán lại chút
Thầy sẽ giới thiệu con quen một người “lạ” lắm, trưa nay cô ấy mời Thầy
dùng cơm, chắc cũng sắp đến rồi”. Thầy vừa dứt lời, tiếng chuông gọi cửa
vang lên, một người phụ nữ tuổi ngoài 60 xuất hiện với nụ cười thật
tươi. Qua lời giới thiệu, Thầy cho tôi biết đó chính là nữ thi sĩ trứ
danh Tôn Nữ Hỷ Khương, trời ạ trong một ngày mà tôi được gặp đến 2 vị
cao nhân, quả là đại sướng!
Trưa
đó, tôi hầu cơm Thầy và Cô Hỷ Khương theo lời mời của Cô, bữa cơm thật
vui và thật ấn tượng, có lẽ suốt cuộc đời này tôi sẽ không bao giờ quên.
Sau
đó, tôi còn được dịp hầu cơm và hầu chuyện Thầy nhiều lần nữa, mãi đến
khi Thầy về nhà mới. Trước khi về, Thầy còn tặng cho tôi bộ hồi ký 5
quyển của Thầy với mỗi một tập là một lời đề tặng khác nhau, trao bộ
sách vào tay tôi, Thầy dạy “Thầy và con đi hai con đường nhưng cùng nhìn
về một hướng, hướng đó là phụng sự dân tộc” nhận bộ sách nhận luôn cả
lời vừa là ban khen vừa là trọng trách được giao từ Thầy mà lòng cảm
động đến rơi nước mắt.
Sang
năm 2007 tôi về sống hẳn ở Bình Dương nên cũng ít gặp Thầy, nhưng mỗi
lần gặp Thầy đều cầm tay thăm hỏi, tình thân như con cháu vậy. Nhớ hôm
tham dự Hội thảo quốc gia “Vị thế văn hoá - Văn hoá dân tộc trong giáo
dục bậc đại học” do trường ĐH Bình Dương tổ chức có gặp Thầy, sau mấy
câu thăm hỏi, Thầy khen tôi làm thơ tiến bộ nhiều lắm, mỗi lần nhận được
thơ của tôi mới sáng tác, Thầy đều rất vui. Lần ấy, Thầy cầm tay tôi
nói “tuy dạo này ít gặp con, nhưng lúc nào Thầy cũng nhớ về con”, tôi
thực sự xúc động, “con có là gì đâu thưa Thầy, một hạt cát quá nhỏ nhoi
so với Thầy – một sa mạc mênh mông rộng lớn !”.
Và thưa Thầy:
Ngày
ấy nếu không có cuộc điện thoại của Thầy thì con đâu được cái vinh hạnh
to lớn được quen biết với Thầy, cũng mất luôn cả cơ hội quen biết với
Cô Hỷ Khương, và thế thì 4 năm sau làm gì con làm được thơ Đường luật để
có chút kỷ niệm trong lòng bạn bè đất Sài thành với cái tên sơn dã
cuồng nhân Lê Ngọc Đình !
Đêm
Hoàng Hoa tiết trùng cửu vừa rồi, được gặp Thầy, hầu chuyện cùng Thầy,
lắng nghe Thầy nói về rượu con vui lắm, nhưng trong lòng cũng có chút
bất an, lúc này Thầy gầy hơn nhiều so với ngày trước, giọng hơi yếu dù
rằng vẫn đầy “sức lửa”, chân thì đau di chuyển hết sức khó khăn, khi ấy
con mới giật mình, Thầy cũng đã cận kề 90 rồi còn gì, vậy mà bất chấp
cái vô thường của thế gian đang bào mòn sức khoẻ của Thầy từng ngày,
mang bầu máu nóng từ tim thắp lên ngọn lửa thiêng truyền trao tri thức
mồi vào tim của lớp lớp hậu sinh, cảm động lắm và thương Thầy nhiều lắm.
Con
chưa một ngày được chính thức là môn sinh của Thầy, nhưng không có Thầy
thì chắc cũng không có con với chút thành tựu nhỏ nhoi như ngày hôm
nay, không có Thầy thì con cũng không biết được hết cái hay của nhạc dân
tộc, không có Thầy con không thể biết được cái thú chơi tao nhã độc đáo
của xướng hoạ thơ, không có Thầy con cũng sẽ mãi không biết cách làm
đúng một bài thơ Đường, với ngần ấy thôi cũng đủ cả đời này con tri ân
Thầy và tôn kính gọi Thầy hai tiếng “Ân Sư”!
Đã
vào tháng 11 rồi thưa Thầy, đã vào tháng mang theo ngày tri ân bậc tôn
túc soi đường ban cho huệ mạng, ngày Nhà giáo Việt Nam, con thành kính
viết những dòng này kính dâng lên Thầy như một lời tri ân đồng thời cũng
để chia sẻ với những tâm hồn đồng điệu một kỷ niệm đẹp trong đời con,
một kỷ niệm về duyên tri ngộ với một bậc đại tông sư về âm nhạc truyền
thống – Việt Nhạc Chi Bảo Trần Văn Khê tiên sinh.
Dã Hạc Cư vãn thu năm Kỷ Sửu
Ngu đồ sơn dã cuồng nhân Lê Ngọc Đình
cúi bái cẩn đề
tocgiothoibay wrote on Nov 1, '09
Một
sự hạnh ngộ.......nhưng chị nghĩ mối nhân duyên nào cũng do chúng ta
kết nên đúng không? Chị thấy ở em là một tấm lòng và cả một sự cố gắng.
|
thienanhthienhung wrote on Nov 1, '09
hữu duyên... hữu duyên...
|
sondacuongnhan wrote on Nov 1, '09
@tocgiothoibay:
cảm ơn chị đã có lời khích lệ, cuộc sống luôn như dòng nước chảy xiết
còn chúng ta như những con người đang lội ngược dòng, ko cố gắng bơi lên
thì ắt sẽ tụt hậu, và nghiễm nhiên trong những lần cố sức ấy, ta bắt
gặp không ít cái mà em tạm gọi là "duyên tri ngộ" chị ạ!
chúc chị đêm mộng lành và một tuần mới thật năng động! |
sondacuongnhan wrote on Nov 1, '09
@thienanhthienhung:
chào mừng đệ tử đến Dã Hạc Cư của sư phụ, kiu mỏi cả mồm mới thấy xuất
hiện, rứa mà vào ứ thèm chào sư phụ một tiếng, bó tay !
|
sondacuongnhan wrote on Nov 2, '09
@gatre: dạ vâng, có lẽ là vậy, cảm ơn anh đã chia ghé lại chia sẻ với Dã Hạc Cư !
|
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét